Mới đây, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (mã chứng khoán: FRT) đã đưa ra thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ. Cụ thể, Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT Retail vừa đăng ký bán thêm 300.000 cổ phiếu từ ngày 20/3 đến ngày 18/4.
Trước đó, ông Việt Anh đã đăng ký bán 300.000 cổ phiếu FRT nhằm giảm lượng cổ phiếu nắm giữ từ 816.000 cổ phiếu, tương đương chiếm 0,69% vốn điều lệ về 516.000 cổ phiếu tương đương chiếm 0,44% vốn điều lệ. Giao dịch thực hiện từ ngày 20/2 đến ngày 14/3. Như vậy, sau hai lần bán cổ phiếu, số vốn điều lệ vị lãnh đạo này sở hữu giảm xuống còn 0,18%.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 15/3/2023, thị giá cổ phiếu FRT hiện đạt 71.200 đồng/cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 4/2022, FPT Retail ghi nhận doanh thu đạt 8.500 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm tới 71% so với cùng kỳ còn 97 tỷ.
Theo giải trình từ FRT, trong quý 4, FRT đối mặt với nhiều bất lợi đến từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt mở bán sản phẩm mới của Apple, sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, chi phí tài chính liên tục tăng cao do lãi suất tăng và căng thẳng thị trường vốn... Những nguyên nhân đó dẫn đến kết quả kinh doanh năm của FPT Shop không đạt như kỳ vọng, bất chấp 9 tháng đầu năm rất tốt.
Luỹ kế năm 2022, FPT Retail vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh về doanh thu với 30.166 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ, hoàn thành 112% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu online năm 2022 đạt 5.656 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2021 và chiếm 19% tổng doanh thu hợp nhất. Chuỗi FPTShop đạt doanh thu 20.689 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ; doanh thu chuỗi Long Châu đạt 9.596 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021.
Mặc dù vậy, do các khoản chi phí tăng cao nên lợi nhuận sau thuế đạt 398 tỷ đồng, giảm 10% so với kết quả năm 2021. Cũng tính hết năm 2022, chuỗi FPT Shop có 786 cửa hàng, tăng thêm 139 cửa hàng so với đầu năm. FPT Long Châu đạt 937 cửa hàng sau khi đã mở mới 537 nhà thuốc, vượt xa kế hoạch.