Phụ nữ sẽ là cứu tinh của nền kinh tế thế giới

“Hãy tin vào phụ nữ. Cứu tinh của nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ là Phụ nữ. Doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ là các động cơ chính, là chủ nhân của nền kinh tế thế gi
Phụ nữ sẽ là cứu tinh của nền kinh tế thế giới

Nhận định này đã được TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đưa ra tại buổi Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 diễn ra mới đây tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Mỏ vàng ròng” trong các nền kinh tế

 Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh rằng Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế là 1 trong 3 sự kiện chính của Diễn đàn thường niên về Phụ nữ và Kinh tế APEC, vừa thể hiện sự công nhận của các nhà lãnh đạo APEC đối với vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ; vừa là sự coi trọng vai trò, sức ảnh hưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển bao trùm.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động với hơn 60% ở khu vực chính thức. Đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy sự hội nhập đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế đã trở thành một nội dung nghị sự lớn của khu vực.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm: “Theo thống kê, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chiếm trong khoảng từ 50 đến 80% việc làm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20 đến 50% GDP trong các nền kinh tế APEC”.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định, tiềm năng của chị em trong kinh doanh là rất lớn, là “mỏ vàng ròng” trong các nền kinh tế nếu biết khơi dậy. “Trên thế giới có quan điểm là Trung Quốc và Ấn Độ không hẳn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới. Tôi đồng tình với quan điểm: “Hãy quên Trung Quốc, quên Ấn Độ, quên Internet… hãy tin vào phụ nữ. Cứu tinh của nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ là Phụ nữ. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ là các động cơ chính, là chủ nhân của nền kinh tế thế giới trong tương lai”, ông Lộc nói.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Mặc dù có sự đóng góp lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế, tuy nhiên các doanh nghiệp do nữ làm chủ chỉ chiếm khoảng dưới 35% xuất khẩu trực tiếp. Trước thực tế đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị “APEC cần chú trọng hơn để phát triển về quy mô và nâng cao năng lực hội nhập khu vực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ đích thân làm chủ”. 

Phụ nữ sẽ là cứu tinh của nền kinh tế thế giới ảnh 2

Để nâng cao sự tham gia và đóng góp của phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kiến nghị, thứ nhất, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.

Thứ hai, yêu cầu cấp thiết là cần tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ. Kỷ nguyên số là một bước tiến vượt bậc của nhân loại, nhưng đang đặt ra thách thức to lớn với nhiều nhóm người dân trong xã hội, trong đó đặc biệt là nguy cơ phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại phía sau. Vì thế, chúng ta cần có các chính sách tận dụng các lợi thế của công nghệ thông tin trong thời đại kỹ thuật số nhằm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các cơ hội về nghề nghiệp, kinh doanh, quảng bá, tiếp thị sản phẩm và các cơ hội tăng cường giao lưu, kết nối mạng lưới nữ doanh nhân trong khu vực.

Thứ ba, trong bối cảnh thị trường toàn cầu và thế giới về việc làm đang có nhiều biến động, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các nữ doanh nhân và lực lượng lao động nữ, cần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nữ doanh nhân tiếp cận với vốn, tài sản, kinh nghiệm và thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. 

Thứ tư, đã đến lúc cần xác định những định hướng dài hạn trong hợp tác APEC về phụ nữ, đóng góp vào các nỗ lực đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu của APEC (mà chúng ta gọi là mục tiêu Bô-go trong APEC) và quá trình xây dựng các tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020.

Phó Chủ tịch nước Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kiến nghị thêm, mỗi nền kinh tế cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về bình đẳng giới nhằm tạo cơ sở phát lý và bộ máy triển khai các biện pháp nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có thể xây dựng các chiến lược, chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội.

Cuối cùng, điều tôi muốn nhấn mạnh quan trọng nhất là, chỉ có tự thân phụ nữ mới có thể quyết định mình cần phải làm những gì để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi. Phụ nữ phải luôn biết, chấp nhận và dám vượt qua khó khăn, thách thức, chấp nhận khó khăn thử thách để tiến lên phía trước” – Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề nghị Diễn đàn Doanh nhân Nữ APEC sẽ được tổ chức thường niên và kêu gọi các doanh nhân nữ và hiệp hội doanh nghiệp nữ hãy thiết lập Mạng lưới Nữ doanh nhân APEC để chia sẻ, học hỏi và tương tác với nhau, cũng như để cùng chung tiếng nói tư vấn và kiến nghị với các nhà lãnh đạo, và phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.

“Với tư cách là tổ chức đã có sáng kiến, là thành viên sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Mạng lưới Doanh nhân Nữ ASEAN từ năm 2014, VCCI, Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam sẽ sẵn sàng chung tay với tất cả chị em xây dựng mạng lưới doanh nhân nữ APEC vững mạnh trong thời gian tới” – Người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.

Trao quyền cho phụ nữ là khoản đầu tư hứa hẹn nhất

“Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đang và mãi mãi sẽ là khoản đầu tư hứa hẹn nhất, tiềm năng và đem lại lợi nhuận cao nhất”, bà Lakshmi Puri - Phó Tổng giám đốc Điều hành UN Women, phát biểu trước đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Theo bà Lakshmi Puri: “Đây là một khoản đầu tư đúng đắn, thông minh và hết sức cần thiết để xóa đói giảm nghèo; tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững và nhanh chóng; giảm bất bình đẳng và không bỏ lại ai phía sau; cũng như để đem lại sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người”.

Bà Lakshmi Puri nhấn mạnh sự phân biệt đối xử có tính hệ thống với phụ nữ đã hạn chế sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của họ vào nền kinh tế, nhưng khi phụ nữ có thu nhập ổn định và tự chủ kinh tế, họ có cơ hội tốt hơn để thực hiện nhiều quyền xã hội, chính trị và kinh tế.

Bà Lakshmi Puri cũng bày tỏ sự tin tưởng về những nội dung được thảo luận tạị Đối thoại sẽ là đầu vào quan trọng cho Tuyên bố cấp Bộ trưởng của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017. UN Women sẵn sàng hỗ trợ các thành viên APEC thực hiện Tuyên bố này. Bà kêu gọi APEC tham gia cùng  với UN Women thực hiện các cuộc vận động về thu hẹp khoảng cách giới trong hoạt động kinh doanh, về chấm dứt bạo lực với phụ nữ, quấy rối phụ nữ tại nơi làm việc, về “hành tinh 50/50”….

Nhấn mạnh lợi ích của trao quyền cho phụ nữ, Bà Puri cũng nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Đồng tình với quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho hay, nền kinh tế thế giới đang trong quá trình tái cấu trúc dưới tác động của các cuộc cách mạng hội nhập hay cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và “tôi nghĩ, cần phải bổ sung cuộc cách mạng về bình đẳng giới, trao quyền năng cho phụ nữ”.

Người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng nhấn mạnh, chúng ta cần có các chính sách kinh tế thông minh hơn, thân thiện với phụ nữ hơn. “Và tôi luôn tin rằng: womeneconomic chính là nội hàm quan trọng của các chính sách kinh tế mới” – TS Vũ Tiến Lộc nói.

Chia sẻ về những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp do nữ làm chủ, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) cho hay, Luật hỗ trợ DNNVV được Quốc hội Việt Nam ban hành vào giữa năm nay đã quy định ưu tiên phát triển DNNVV do phụ nữ làm chủ. Các chương trình hỗ trợ doanh nhân nữ cũng đã được triển khai ở nhiều cấp, nhiều ngành. Bên cạnh đó, VWEC cũng tổ chức rất nhiều các hoạt động nhằm kết nối các thành viên không chỉ ở Việt Nam cũng như ở khu vực và toàn cầu thông qua việc tham dự các sự kiện quan trọng như hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu...

Ngoài ra, VWEC còn tổ chức nhiều cuộc vận động, chiến dịch nhằm trao quyền cho phụ nữ. Mới đây nhất là chương trình #shemeansbusiness do VWEC phối hợp với Facebook đã chính thức thực hiện tại Việt Nam...

"Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, trong đó có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, bà Lakshmi Puri - Phó Giám đốc điều hành tổ chức Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), các nữ tổng giám đốc và giám đốc điều hành các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và thế giới…

Bà Đoàn Bạch Phụng – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Trai Hoàng Gia: Hỗ trợ về vốn cho phụ nữ làm kinh tế

Tôi đã đồng hành nhiều sự kiện chuyên đề về nữ lãnh đạo trên thế giới, mới đây nhất là ở Nhật Bản. Và trong sự kiện hôm nay tôi cũng đã được nghe chia sẻ từ nhiều lãnh đạo không chỉ trong nước mà còn nhiều nước trên thế giới. Trong quá trình đó, tôi đã học tập được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nắm được xu hướng mới trên thế giới để áp dụng vào công việc kinh doanh của mình.

Xưa phụ nữ chỉ có nữ công gia chánh lo cho gia đình. Nay phụ nữ đã tích cực tham gia hoạt động xã hội, tự tin tham gia nhiều lĩnh vực và đã khẳng định được vị thế của mình. Tôi hy vọng và mong muốn Đảng và Nhà nước có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho phụ nữ làm kinh tế đặc biệt là hỗ trợ về vốn, tiếp đến là vấn đề thuế bởi hiện nay thuế xuất nhập khẩu khá cao và còn nhiều vướng mắc.

Bà Trần Thị Hoàng Lan – Giám đốc Công ty TNHH Tranh Cát Ý Lan: Phụ nữ có thể làm được những việc nam giới đang làm

Tôi nghĩ đây là một hội nghị lớn và cũng là một hội nghị để giúp đỡ những người phụ nữ của chúng tôi có tầm nhìn xa hơn, hiểu rộng hơn. Đây cũng là dịp để Đảng và Nhà nước nhìn lại những cống hiến của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế của đất nước để đưa ra những chính sách kịp thời, hỗ trợ cho phụ nữ có cơ hội vươn xa hơn, làm được nhiều việc hơn. Phụ nữ chúng tôi có thể ngang hàng và bình đẳng như nam giới, có thể làm được những việc như nam giới đang cáng đáng.

Được tham gia hội nghị là cơ hội tốt bởi tại đây chúng tôi được nghe những lời khuyên bổ ích từ các nhà lãnh đạo. Hội nghị cũng đã đưa ra nhiều yêu cầu thiết thực để phụ nữ vươn lên như cần có những chính sách cho phụ nữ, nên có những ưu đãi mang đến nhiều cơ hội cho người phụ nữ...Đây là điều chúng tôi đang mong muốn và  hi vọng, sau hội nghị này, tất cả những yêu cầu sẽ được thực hiện.

Để phụ nữ có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế hơn nữa, theo tôi Nhà nước nên có những chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng, tạo điều kiện cho phụ nữ để họ có thể làm được những việc tốt hơn cho xã hội trong thời kì kỉ nguyên số này.

Bà Nguyễn Thị Tú Bình - Giám đốc Exim Bank (Chi nhánh Huế): Tạo điều kiện hơn cho phụ nữ nông thôn trong hoạt động kinh doanh

Tôi rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới được thảo luận tại sự kiện này bởi tôi thấy đây là rào cản của người phụ nữ gặp phải trong quá trình điều hành doanh nghiệp.

Bản thân tôi là một người điều hành kinh doanh tôi phải cân bằng không chỉ trong công việc mà còn trong gia đình với thiên chức làm mẹ, làm vợ. Chính vì thế, tôi mong muốn Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm hơn đối với phụ nữ trong hoạt động kinh doanh nhất là đối với phụ nữ ở nông thôn, miền núi để họ được cống hiến chung cho sự phát triển xã hội.

Chính phủ cũng nên có những quỹ, nguồn vốn như gói vay giá rẻ không lãi suất để cho phụ nữ khởi nghiệp thuận lợi với số vốn ban đầu. Nếu làm được như vậy họ sẽ được yên tâm làm việc hơn.

Bà Nguyễn Thị Bích Huệ- Giám đốc Công Ty TNHH Vĩnh Tiến: Cần chính sách đặc thù cho doanh nghiệp có nhiều lao động nữ

Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC diễn ra là cơ hội để các nữ doanh nhân trong APEC được tiếp xúc, được chia sẻ kinh nghiệm cũng như phát huy tính sáng tạo, là động lực để họ cống hiến hơn nữa. Đây cũng là niềm tự hào cho nữ doanh nhân Việt Nam, cũng như nữ doanh nhân trong khối APEC bởi ngoài thiên chức làm mẹ, làm vợ họ còn có thể làm được những điều mà đàn ông làm được.

Với cá nhân tôi, khi được tham dự diễn đàn này tôi đã được học hỏi rất nhiều. Thay vì đến tuổi cảm thấy được nghỉ ngơi thì tôi lại có thêm động lực để đưa doanh nghiệp của tôi không chỉ hoạt động bó hẹp ở thị trường trong nước mà còn bay xa, bay cao trên thị trường thế giới.

Thông qua Diễn đàn nữ doanh nhân APEC lần này, tôi cũng nhận thấy phụ nữ thế giới cũng như phụ nữ Việt Nam rất giỏi. Họ không những giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà. Qua những số liệu thống kê tại diễn đàn chúng ta có thể thấy các doanh nghiệp do nữ làm chủ đóng góp từ 20 đến 50% GDP trong các nền kinh tế APEC. Họ đã làm được các điều rất kỳ diệu.

Tuy nhiên để phụ nữ đóng góp hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, theo tôi cần có những chính sách đặc thù cho những doanh nghiệp có nhiều lao động nữ như chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, nhất là những bà mẹ đang cho con bú và chăm con khi con đau ốm...

Mặt khác, nên hỗ trợ vốn cho những doanh nghiệp do nữ làm chủ để họ có thể mạnh dạn trong đầu tư cũng như miễn giảm thuế trong giai đoạn mới khởi nghiệp...

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...