Quản hoạt động từ thiện: Cần xây luật và bổ sung chế tài xử phạt!

Để hoàn chỉnh khung pháp luật về lĩnh vực hoạt động từ thiện theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP, cần tiến tới xây dựng một đạo luật về hoạt động từ thiện và bổ sung các chế tài về xử phạt hành chính nhằm đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.

Đây là một trong những nội dung tại hội thảo "Tăng cường minh bạch và hiệu quả trong hoạt động cứu trợ và từ thiện tại Việt Nam" nhằm thảo luận các giải pháp tăng cường minh bạch và hiệu quả hoạt động cứu trợ do Oxfam tổ chức.

Theo các chuyên gia, cần xây dựng đạo luật về hoạt động từ thiện ở Việt Nam. (Ảnh: Int)
Theo các chuyên gia, cần xây dựng đạo luật về hoạt động từ thiện ở Việt Nam. (Ảnh: Int)

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh các hoạt động cứu trợ, từ thiện diễn ra ở nhiều nơi và lớn chưa từng có trong đợt bão lũ ở miền trung năm 2020 và hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid năm 2020 – 2021.

Những vấn đề lùm xùm về thiếu minh bạch trong hoạt động cứu trợthiện nguyện buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc để xác minh, làm rõ. Bên cạnh đó là Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, được Chính phủ ban hành vào ngày ngày 27/10/2021, thay thế cho nghị định 64/2008/NĐ-CP.

Các chuyên gia nhận định rằng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam bước vào ngưỡng thu nhập trung bình thì các hoạt động thiện nguyện của các cá nhân và tổ chức tại Việt Namsẽ có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.

Việc huy động nguồn lực từ hoạt động thiện nguyện cá nhân sẽ giúp giảm tải cho ngân sách của nhà nước, đồng thời phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người dân.

Tuy nhiên, dư luận xung quanh hoạt động thiện nguyện của các cá nhân và tổ chức trong thời gian vừa qua thực tế cho thấy các hoạt động này còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như lòng tin của công chúng và các mạnh thường quân.

Một số chuyên gia đã đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường minh bạch, hiệu quả của hoạt động này gồm: xây dựng các hướng dẫn/cẩm nang cho các cá nhân, tổ chức làm cứu trợ, thiện nguyện không chuyên. Bên cạnh đó các cá nhân, tổ chức thiện nguyện cần xác định lĩnh vực cứu trợ, từ thiện theo hướng lâu dài, kết nối chặt chẽ với chính quyền địa phương và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tintrong hoạt động cứu trợ và thiện nguyện, ví dụ: các ứng dụng thiện nguyện của MB Bank, nền tảng Wishare, ví điện tử MoMo…

Phân tích Nghị định 93/2021/NĐ-CP vừa được ban hành, các chuyên gia đánh giá, về cơ bản Nghị định mới đã khắc phục được nhiều bất cập trong Nghị định 64/2008/NĐ-CP trước đó. Đặc biệt là tăng cường minh bạch, sự tham gia và đảm bảo sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện các hoạt động cứu trợ và thiện nguyện. Đây có thể coi là khuôn khổ pháp lý đầu tiên cho các cá nhân tham gia vào quy trình thiện nguyện, được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam cho rằng, dù còn những bất cập trong các hoạt động cứu trợ và thiện nguyện ở Việt Nam trong thời gian qua, nhưng Oxfam tin rằng những điều đó không ảnh hưởng tới tinh thần thiện nguyện và tình tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Điều quan trọng là mọi người cần có các giải pháp nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và dần hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động này.

“Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành Nghị định 93, thay thế Nghị định 64 nhằm tạo khuôn khổ pháp lý tốt hơn cho hoạt động thiện nguyện của các cá nhân và tổ chức, quy định trách nhiệm giải trình về hiệu quả và minh bạch trong giải ngân nguồn đóng góp từ người dân”, ông Tú nhấn mạnh.

Thực tế, từ quy định của pháp luật đến triển khai vẫn còn khoảng cách; do đó, để các hoạt động nàytriển khaicó hiệu quả, cộng đồng cần thúc đẩy và xây dựng hệ sinh thái thiện nguyện một cách tự nhiên và hài hòa giữa các bên.

Theo ông Tú, hệ sinh thái này là sự kết nối, phối hợp giữa những người tham gia đóng góp,với các tổ chức, cá nhân đứng ra làm thiện nguyện, cùng với chính quyền địa phương và người dân nơi nhận cứu trợ, từ thiện. Mỗi bộ phận trong hệ sinh thái đó đều có vai trò, trách nhiệm liên quan chặt chẽ với nhau trong việc giúp tăng cường minh bạch và hiệu quả của hoạt động cứu trợ và từ thiện”

Bên cạnh ghi nhận những điểm mới trong Nghị định 93, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự bổ sung, Nghị định 93 cần bổ sung các quy định về việc khuyến khích, động viên, ghi nhận các tổ chức, cá nhân tham đóng góp thiện nguyện như các cơ chế về thuế, khấu trừ thuế cho các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động đóng góp từ thiện. Đồng thời, bổ sung các chế tài về xử phạt hành chính để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.

Bên cạnh đó, để hoàn chỉnh khung pháp luật về lĩnh vực này, cần tiến tới xây dựng một đạo luật về hoạt động từ thiện và phi lợi nhuận ở Việt Nam. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm