Đây là lần đầu tiên, UBTV quyết định giám sát một hình thức đầu tư riêng trong lĩnh vực giao thông đường bộ sau thời gian cân nhắc. Trước đó, nội dung giám sát các dự án BOT đường bộ được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất lên UBTV giám sát trong năm 2017. Theo thông tin, bên cạnh các thành viên của UB kinh tế, UBTV của Quốc hội, đoàn giám sát sẽ mời đại diện của các đoàn Quốc hội các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương nơi đoàn giám sát.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường, Viện Kinh tế... cũng được mời tham gia giám sát để cho ý kiến về quản lý chuyên ngành được giao.
Dự kiến, Đoàn giám sát sẽ thực hiện trên phạm vi cả nước, các công trình nằm trong tầm giám sát là dự án được cấp giấy phép xây dựng từ năm 2011 - 2016. Mục đích của giám sát là rà soát, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo mô hình BOT.
Theo đánh giá của UBTV Quốc hội, trong thời gian vừa qua, các công trình dự án được đầu tư bằng BOT có hiệu quả và thay đổi đáng kể song gây nhiều bất cập, gây bức xức cho người dân: như chi phí đầu tư cao, thu phí cao, đặt trạm bất hợp lý, thu phí thủ công khiến ùn tắc giao thông...
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đưa nội dung giám sát về tài chính, vốn đầu tư và quyết toán vốn đầu tư tại 20 dự án BOT trọng điểm, có nhiều dư luận xấu vào chương trình kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2017.
Ngoài ra, quản lý Nhà nước về việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án… còn bất cập, dư luận bức xúc trong dư luận và gây chi phí cao cho người dân, doanh nghiệp.
Trong năm 2016, các cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo chí và dư luận đã khui ra khá nhiều vấn đề khuất tất của các dự án đầu tư đường bộ bằng BOT. Đáng chú ý, kết quả của Bộ KH&ĐT sau khi thanh tra 17 dự án BOT đã phát hiện nhiều dự án có "vênh" chi phí đầu tư thực tế thấp hơn nhiều so với số vốn dự toán của chủ đầu tư đưa ra. Có dự án, số tiền đầu tư thực tế thấp hơn hàng nghìn tỷ đồng so với dự toán nhưng không được báo cáo. Đáng nói, bản thân các liên doanh chủ đầu tư do thiếu minh bạch đã đứng ra đấu tố nhau, khiến dư luận hết sức nghi ngờ về sự thiếu minh bạch của các dự án BOT.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu