Các khoản đầu tư tại ASEAN cũng tăng trưởng mạnh với sự phối hợp cùng các đối tác trong dự án tổ hợp Hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh tại ASEAN.
Ngoài ra, các nhà máy xi măng ở Lào và Myanmar đã bắt đầu đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của ngành xây dựng. Gần đây, SCG đã đầu tư vào một nhà máy xi măng tại miền Trung Việt Nam và một doanh nghiệp bao bì tại Indonesia. Đây là những động thái của SCG nhằm phục vụ nhu cầu bao bì ngày càng tăng của thị trường hàng tiêu dùng đang phát triển ở Thái Lan và ASEAN.
Cụ thể, trong quý 1/2017, với doanh thu bán hàng tăng 6% so với năm trước đạt 77.512 tỷ đồng (3.311 triệu USD). Lợi nhuận trong kỳ đạt 11.591 tỷ đồng (495 triệu USD), tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu từ hoạt động kinh doanh hóa dầu liên tục thuận lợi và lợi nhuận không thường xuyên từ việc bán tài sản đầu tư và tài sản không sử dụng. Bên cạnh đó, doanh thu xuất khẩu, chiếm 27% tổng doanh thu từ bán hàng của SCG, đạt 20.696 tỷ đồng (884 triệu USD).
Đối với hoạt động của SCG tại khu vực Đông Nam Á (không bao gồm Thái Lan), doanh thu bán hàng trong quý 1/2017 đạt mức tăng trưởng 15% so với năm trước, lên đến 9.658 tỷ đồng (413 triệu USD), chiếm 13% doanh thu tổng doanh thu của SCG.
"Tính đến 31/3/2017, tổng tài sản của SCG đạt 374.780 tỷ đồng (16.008 triệu USD), trong khi tổng tài sản của SCG tại khu vực Đông Nam Á (không bao gồm Thái Lan) là 91.429 tỷ đồng (3.905 triệu USD), chiếm 24 % tổng tài sản hợp nhất của SCG.
Theo báo cáo quý 1/2017, SCG tại Việt Nam sở hữu tổng tài sản 32.299 tỷ đồng (1.380 triệu USD), tăng 72% so với năm trước. Tập đoàn báo cáo doanh thu bán hàng quý 1/2017 đạt 4.346 tỷ đồng (186 triệu USD), tăng 30% so với năm trước chủ yếu từ kinh doanh bao bì và xi măng - vật liệu xây dựng.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn SCG cho biết, hiện SCG đang bước vào giai đoạn cuối của quyết định đầu tư tài chính với đối tác Việt Nam. Thời gian xây dựng dự kiến là 5 năm và ước tính khu phức hợp dự án hóa dầu Long Sơn sẽ đi vào hoạt động thương mại vào năm 2022.
Đối với nhóm ngành Xi măng và Vật liệu xây dựng, SCG vừa thực hiện mua lại Công ty Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VCM), nhà sản xuất xi măng tích hợp tại Việt Nam với công suất 3,1 triệu tấn/năm. Khu phức hợp tọa lạc tại tỉnh Quảng Bình thuộc miền trung Việt Nam sẽ phục vụ các thị trường lân cận trong giai đoạn đầu, và theo kế hoạch sẽ mở rộng ra cả nước.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực Bao bì, công ty TNHH Giấy Vina Kraft gần đây đã hoàn thành việc lắp đặt dây chuyền sản xuất mới để mở rộng năng suất bao bì giấy tại Việt Nam. Dây chuyền cho phép SCG đạt được công suất sản xuất 500.000 tấn/năm và giữ vững vị thế là nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam.
SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Tại Việt Nam, SCG có 23 công ty đang hoạt động kinh doanh với hơn 8.300 nhân viên.