Năm 2008, Đồng Nai triển khai quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi tập trung với mục tiêu thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, thực tế cho thấy nhiều bất cập. Quy hoạch đang đi ngược lại xu hướng, quy hoạch trở thành rào cản khiến ngành chăn nuôi gặp khó thay vì phát triển.
Vùng quy hoạch “ế ẩm”
Vùng phát triển chăn nuôi tập trung tại ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom là 1 trong 7 vùng được thí điểm đầu tư hạ tầng, kêu gọi doanh nghiệp, trang trại tới đầu tư chăn nuôi. Nhà nước đã làm đường nhựa, kéo điện 3 pha với kinh phí lên tới hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiêu, sau 5 năm triển khai, cả vùng quy hoạch rộng khoảng 40 ha này vẫn chỉ bạt ngàn những vườn chuối và hồ tiêu, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đây là vùng dành riêng cho chăn nuôi.
Ông Vũ Viết Thịnh, chủ trang trại heo ở xã Thanh Bình cho hay, ông được chính quyền đến vận động di dời trại heo của mình vào vùng quy hoạch chăn nuôi. Nhưng thà ông bỏ đàn, bỏ chuồng, ngừng nuôi chứ vào vùng chăn nuôi thì không thể. Bởi muốn di dời, ông phải bỏ tiền ra mua đất, đầu tư mới toàn bộ chuồng trại. Nhẩm tính nếu muốn có 1 mẫu đất (10.000 m2) ở vùng chăn nuôi, số tiền phải bỏ ra vượt quá khả năng của ông.
“Muốn vào khu chăn nuôi nhưng giá đất trong đó nhiều người không thể mua được, đó là chưa kể tiền xây dựng chuồng trại cao gấp đôi tiền đất. Tính sơ đầu tư được chuồng trại để chăn nuôi tốn khoảng 3,5 tỷ đồng, trong khi mỗi năm chỉ nuối được 2 lứa heo, mỗi lứa 1.000 con cũng chỉ thu được khoảng 700 triệu đồng”, ông Thịnh tính toán.
Xác nhận vấn đề này, ông Trần Đức Phương, trưởng ấp Trung Tâm phân tích, trước đây, đất nông nghiệp trong khu vực có giá khá rẻ, chỉ khoảng 100 triệu đồng/sào (1.000 m2). Nhưng từ khi có quy hoạch, có đường, điện giá đất tăng vọt lên gấp đôi hoặc hơn. Ở vùng chăn nuôi tập trung Tây Bạch Lâm ở huyện Thống Nhất, giá đất tăng tới 15 lần, từ 30 triệu/sào lên tới gần 400 triệu/sào “nhờ” quy hoạch.
Thậm chí giá đất có lên nữa thì cũng khó tìm được người bán, bởi vùng này là đất trồng tiêu có giá trị kinh tế, nên người có đất không muốn bán và cũng chẳng cần bán.
“Giá đất quá cao khiến bên mua cũng không mua nổi, bên bán cũng không chịu bán. Nếu cứ yêu cầu buộc những hộ chăn nuôi ra ngoài, người ta sẽ giảm đàn xuống hoặc ngừng chăn nuôi vì không đủ tiền vốn đầu tư”, ông Phương cho biết.
Một vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung thí điểm của cả tỉnh, được đầu tư lớn nhưng đã rất “ế ẩm”. Vậy nhưng Đồng Nai có tới 139 vùng quy hoạch, tổng diện tích hơn 15.700 ha và đa số đều nằm trên giấy, không thể triển khai hoặc triển khai rất chậm với những con số khiêm tốn.
Quy hoạch “ngược”
Nhiều ý kiến chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho rằng, cách làm của Đồng Nai hiện nay đang đi ngược lại với cách làm của thế giới. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, thay vì quy hoạch theo hướng các trang trang trại độc lập, cách xa nhau để tạo nên một vùng an toàn dịch thì ở trong nước, quy hoạch lại “dồn” các trang trại về một chỗ. Điều này đi ngược với xu thế và tạo ra những hệ lụy có thể nhìn thấy được.
“Mình đang đi ngược lại với xu thế của nước ngoài. Ở các nước, quy mô chăn nuôi 100.000 ngàn con phỉa cách nhau 1 km để đảm bảo vùng đệm an toàn, không sử dụng kháng sinh, sản phẩm mới đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu. Còn hiện nay các trang trại ở Việt Nam đang có bất cập, đó là Nhà nước lại bắt người chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi tập trung”, ông Ngọc nêu rõ.
Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất mạnh dạn đề xuất, bỏ quy hoạch chăn nuôi hiện nay của Đồng Nai. Thay vì quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, thì chỉ cần xây dựng quy hoạch vùng cấm nuôi, như vậy có thể phá vỡ được các “rào cản” hiện nay.
“Nên bỏ quy hoạch chăn nuôi, thay vào đó quy định vùng cấm nuôi với quy hoạch dân cư, khoảng cách đến các bệnh viện, khoảng cách đến các trường học… Cần có thêm quy định về khoảng cách giữa 2 trang trại để giải tỏa toàn bộ sức ép về giá đất, môi trường cũng như các sức ép về dịch bệnh”, ông Tùng nói.
Sở NN&PTNT Đồng Nai thừa nhận, mặc dù đã tính toán kỹ khi xây dựng quy hoạch nhưng vẫn chưa lường hết được thực tế phát sinh khiến nhiều vùng quy hoạch mà không có trang trại hoạt động. Việc di dời các trang trại chăn nuôi vào vùng tập trung rất khó thực hiện. Các bất cập chủ yếu là vấn đề giá đất trong vùng quy hoạch quá cao; quy hoạch không đồng bộ với việc xây dựng vùng an toàn dịch; các chi phí như giá điện, nước, xử lý môi trường cao làm tăng giá thành chăn nuôi...
Quy hoạch chăn nuôi là một chủ trương đúng đắn nhằm quản lý ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của Đồng Nai. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai nhưng kết quả tích cực chưa thấy đâu, chỉ thấy những hệ lụy nhãn tiền. Đã đến lúc ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại để có hướng xử lý phù hợp, kể cả trường hợp quy hoạch cũ phải “đập đi - làm lại”.
Theo Vov