Xử lý tài sản cho khối nợ xấu của các DNNN lớn thực sự là thách thức với các tổ chức tín dụng
Hội thảo do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Thời báo Ngân hàng phối hợp tổ chức, nhằm trao đổi, lấy ý kiến để kiến nghị các cơ quan nhà nước liên quan xem xét hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm.
Hệ thống ngân hàng đang đối mặt với vấn đề nan giải là thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm cho khối nợ xấu hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản chiếm trên 90% tổng nợ xấu, gồm bất động sản, động sản, các tài sản dạng khác... Tuy nhiên, khâu xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD gặp nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng tới tốc độ xử lý nợ xấu.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc NHNN cho rằng, việc xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, minh bạch, phù hợp. Trong đó, cần tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan thực thi. Đặc biệt là các chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thoả thuận. Và thiết lập được cơ chế, cách thức cho các bên lựa chọn được cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện, thu hồi nợ tối đa… và hệ thống pháp luật cần được các bên liên quan thực thi nghiêm minh.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu
Về thực tế xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của ngân hàng, ông Vũ Đình Ánh, chuyên giá kinh tế nhắc lại thực tế “rất vướng mắc”.
“Bản chất kinh tế của quyền xử lý tài sản bảo đảm tại các TCTD là quyền đối với tài sản nhằm bù đắp thiệt hại do nợ xấu. Nhưng khi TCTD xử lý tài sản thì quan hệ với người đi vay không những thiếu sự hợp tác cần thiết, mà còn chuyển sang đối đầu, thậm chí mâu thuẫn, xung đột gay gắt… Chẳng hạn, cán bộ đi thu hồi nợ, con nợ không đồng ý giao tài sản, gây khó khăn. Hay tài sản có tranh chấp, khiếu kiện kéo dài… làm khó cho ngân hàng”- Ông Ánh chỉ rõ.
Đáng chú ý, trong thực tế thu hồi nợ, ngân hàng đối mặt với nguy cơ tranh chấp pháp lý do quyền đòi nợ trở thành “bán hợp pháp”. Điều này đã được báo chí phản ánh trong nhiều vụ tranh chấp đòi nợ, khởi kiện ra toà mà kết quả phân xử tuyên ngân hàng thắng kiện, được thu nợ và tài sản thế chấp. Song thực tế, tài sản thế chấp lại thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba khiến cho việc xử lý, “bắt nợ” tài sản rất gian nan…
Hội thảo quyền xử lý tái sản bảo đảm ngày 6/12
“Các tài sản bảo đảm của ngân hàng chủ yếu là bất động sản, giá trị tăng giảm phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Nếu ngân hàng xử lý được các bất động sản thế chấp khi thị trường tốt lên thì sẽ thu về giá trị rất lớn”- Ông Ánh nói, và đây là thách thức của ngân hàng khi phải xử lý tài sản bất động sản như dự án, đất đai.
Do đó, theo ông Ánh, quyền xử lý tài sản bảo đảm chỉ được thực thi một cách nhanh chóng, hiệu quả và hiệu lực khi nhận thưc về quyền lợi, nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan trong quan hệ tín dụng được xác lập một cách đứng đắng, dựa trên cơ sở pháp lý khả thi, phù hợp với thực tế Việt Nam và tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Điều này có nghĩa là quyền xử lý tài sản bảo đảm cần phải thuộc về ngân hàng thực sự.
Liên quan tới đề xuất lấy ngân sách nhà nước để hỗ trợ hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, nếu các ngân hàng xử lý được tốt vấn đề tài sản bảo đảm nợ vay thuận lợi hơn thì sẽ không có sự đe doạ nào tới việc phải dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.
“Dường như NHNN cần có tiếng nói để xây dựng thị trường định giá để làm cơ sở xử lý các tài sản bảo đảm, vốn là điểm mấu chốt quyết địn hiệu quả xử lý nợ xấu. Điều này cần được thúc đẩy sớm hơn, tạo thuận lợi và hỗ trợ tiến độ xử lý nợ xấu ngân hàng”- Ông Ánh đề xuất.
Trong thực tế, xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở, bà Bùi Như Ý, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng chỉ ra nhiều điểm vướng mắc trong quy định pháp luật liên quan. Trong đó, có 5 vấn đề vướng mắc nổi cộm xảy ra trong quá trình:
+ Khi thực hiện đăng kí, chuyển quyền tài sản từ hợp đồng mua bán (HĐMB) sang tài sản nhà ở hình thành trong tương lai.
+ Vướng mắc trong quá trình nhận tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai
+ Vướng mắc nhận tài sản dự án, nhà ở và quyền sử dụng đất trong dự án: câu hỏi đặt ra là CĐT có được thế chấp quyền thực hiện dự án này cho dự án khác hay không?
+ Vướng mắc nhận tài sản là các dự án du lịch, nghỉ dưỡng.
Trong số này, bà Như Ý phân tích cụ thể về trường hợp các ngân hàng đang gặp vướng mắc khi nhận tài sản thế chấp là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Thông tư 09 quy định dự án du lịch nghỉ dưỡng (biệt thự biển, căn hộ biển… ) được coi là các dự án đầu tư công trình xây dựng nên điều kiện thế chấp phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng thủ tục đầu tư dự án lại áp dụng tương tự như dự án nhà ở… Mặc dù các dự án này đã có giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, vãn chưa đủ điều kiện để thế chấp ngân hàng.
Do đó, "thực tế hiện nay nhiều dự án nghỉ dưỡng chưa thể làm thủ tục nhận thế chấp tài sản dự án do vướng mắc, chưa có quy định hướng dẫn thế chấp"- Bà Như Ý nói và để hạn chế rủi ro nợ xấu sau này, thì các ngân hàng ngay từ khâu nhận TSBĐ đã cần phải làm hồ sơ pháp lý chặt chẽ, đầy đủ để hạn chế những rủi ro về sau.
Một số lãnh đạo ngân hàng chia sẻ nhiều vướng mắc trong thực tế tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thủ tục nhận thế chấp tài sản bảo đảm, cũng như quá trình xử lý thu hồi tài sản của nợ xấu sau đó....
Thu Hằng
>> Con nợ chây ỳ, “cục máu đông” nợ xấu khó tan