"Rừng" thủ tục hành doanh nghiệp: Các Bộ đã vào cuộc tới đâu?

Đại diện các Bộ Y tế, Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cung cấp nhiều thông tin về việc rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra trước khi thông quan.
"Rừng" thủ tục hành doanh nghiệp: Các Bộ đã vào cuộc tới đâu?

Hội thảo về rà soát hàng hóa nhóm 2 và các văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì với sự tham gia của đại diện 12 Bộ, đang diễn ra tại Vĩnh Phúc từ ngày 11-13/10.

Trước đó, ngày 9/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 75/NQ-CP, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện phải kiểm tra nhà nước trước khi thông quan của 12 bộ chuyên ngành.

Nay, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Trần Thị Oanh cho biết hàng năm Bộ đều có soát xét danh mục hàng hóa nhóm 2. Hiện, Bộ cũng đang rà soát và đưa một số mặt hàng ra khỏi danh mục kiểm tra nhà nước.

Mới nhất, Bộ đã rà soát, ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 theo Thông tư số 31 năm 2017 thay thế Thông tư số 44 năm 2011, trong đó đã loại bỏ đi một số sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn. Theo Thông tư 31, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi được phân công quản lý của Bộ Y tế gồm 6 nhóm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) - Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Hoàng Linh đề nghị Bộ Y tế cần đẩy mạnh việc thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức nước ngoài; chỉ định trực tiếp tổ chức đánh giá sự phù hợp tại nước ngoài thực hiện đánh giá sự phù hợp cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với danh mục hàng hóa nhóm 2, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị Bộ Y tế cần tiếp tục rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2, bổ sung mã HS (mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu) để đảm bảo loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan (tiền kiểm) theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng kiến nghị Bộ Y tế cần tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội để chỉnh sửa dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38 năm 2012 quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm cho phù hợp, đặc biệt là nội dung hướng dẫn công bố phù hợp an toàn thực phẩm.

Bà Phạm Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, liên tiếp trong 3 năm từ 2015 – 2017 đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã rà soát, loại bỏ nhóm hàng tiêu dùng ra khỏi danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2.

Mới đây bộ này đã rà soát và ban hành danh mục nhóm 2, trong đó loại bỏ 3 nhóm: sản phẩm dệt may, phân bón, máy, thiết bị công nghiệp; bãi bỏ 5 thủ tục hành chính tại Thông tư 58 về quản lý chất lượng thép. Tuy nhiên, mới chỉ ban hành 14 quy chuẩn Việt Nam để quản lý sản phẩm, hàng hóa nhóm 2.

Còn đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNN cho biết, trong thời gian qua Bộ đã quyết liệt trong việc rà soát lại danh mục hàng hóa nhóm 2; đã ban hành 52 quy chuẩn Việt Nam để quản lý hàng hóa nhóm 2.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy, Tổng cục TCĐLCL cho rằng, Bộ NN&PTNN còn tồn tại một số vấn đề như danh mục hàng hóa nhóm 2 rộng. Nhiều phẩm hàng hóa thuộc đối tượng kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng vẫn phải kiểm tra chất lượng như giống cây trồng; giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi…

Nhiều danh mục hàng hóa nhóm 2 chưa có mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu - mã HS. Biện pháp quản lý quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã ban hành chưa rõ tiền kiểm hay hậu kiểm.

Trước những vướng mắc trên, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị Bộ NN&PTNN cần rà soát lại danh mục hàng hóa nhóm 2, bổ sung mã HS, sửa đổi biện pháp quản lý quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã ban hành theo hướng chuyển sang hậu kiểm để đảm bảo loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng cần xem xét, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy chuẩn Việt Nam đối với hàng hóa nhóm 2 chưa có quy chuẩn như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Đối với sản phẩm hàng hóa chịu sự quản lý của nhiều Bộ quản lý chuyên ngành hoặc phải thực hiện nhiều biện pháp quản lý khác nhau khi nhập khẩu như kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật, cần xem xét lựa chọn biện pháp quản lý thích hợp nhất và giao cho một đầu mối thực hiện…

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và yêu cầu tại Nghị quyết 19 của Chính phủ thì tất cả các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 phải được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật, tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm hàng hóa nhóm 2 không có quy chuẩn hoặc có những quy chuẩn được ban hành nhưng chưa rõ phải quản lý theo biện pháp nào, tiền kiểm hay hậu kiểm.

“Do đó các Bộ ngành cần phải rà soát, làm rõ một số sản phẩm hiện nay chưa được quản lý theo quy chuẩn Việt Nam thì phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy chuẩn để áp dụng triển khai, nếu không thì phải xem xét để loại bỏ ra khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2”, ông Linh nói.

Có thể bạn quan tâm