Sabeco chưa lên sàn nhưng cổ đông tại hàng loạt công ty thành viên đã “mở bia” ăn mừng

Mặc dù Sabeco chưa tiến hành niêm yết trên TTCK Việt Nam nhưng hàng loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp mà Sabeco nắm giữ đã tăng “phi mã” từ đầu tháng 9 tới nay.
Sabeco chưa lên sàn nhưng cổ đông tại hàng loạt công ty thành viên đã “mở bia” ăn mừng

Sau nhiều năm trì hoãn niêm yết, mới đây Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước kết hợp niêm yết cổ phiếu Sabeco, Habeco trên TTCK. Theo phương án dự kiến, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 82% vốn đang nắm giữ tại Habeco ngay trong năm 2016. Còn với Sabeco, lộ trình thoái vốn sẽ chia làm 2 đợt.

Trong đó, đợt 1 sẽ chào bán 53,59% vốn trong năm 2016 và 36% vốn còn lại sẽ được thoái trong năm 2017 sau khi hoàn tất việc niêm yết trên TTCK. Hiện tại, Sabeco đã đề xuất được niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (Hose) và Habeco cũng đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch lên Upcom. 

Cổ phiếu “họ Sabeco” tăng phi mã 

Ngay khi đón nhận những thông tin tích cực từ việc thoái vốn nhà nước, cổ phiếu Sabeco đã được nhà đầu tư săn đón nồng nhiệt trên thị trường OTC. Nếu như thời điểm đầu tháng 8, mức giá chào mua chỉ quanh ngưỡng 80.000đ/cp thì đến nay mức giá chào mua đều trên ngưỡng 100.000đ/cp, cao hơn 25% so với cách đây 1 tháng nhưng cũng không có “hàng” để mua.

Nếu tính theo mức giá đang giao dịch trên thị trường OTC, vốn hóa của Sabeco xấp xỉ 65.000 tỷ đồng và quy mô thoái vốn của Nhà nước lên tới 57.500 tỷ đồng (2,6 tỷ USD). Cùng với Sabeco, các cổ phiếu mà doanh nghiệp này nắm giữ đang niêm yết/giao dịch trên TTCK Việt Nam cũng tăng phi mã trong thời gian gần đây. Tiêu biểu nhất phải kể tới cổ phiếu BSP của CTCP Bia Sài Gòn – Phú Thọ, một cổ phiếu mới giao dịch trên Upcom trong tháng 8 vừa qua. Đóng cửa phiên giao dịch 21/9, thị giá BSP đạt 33.600đ, tăng 60% so với hồi đầu tháng và đây cũng là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong “họ Sabeco”.

Tuy vậy, điểm trừ của BSP là thanh khoản khá thấp, chỉ vài nghìn đơn vị được giao dịch mỗi phiên. Năm 2015, BSP đạt doanh thu 442 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 38 tỷ đồng. Sabeco và công ty thành viên Bia rượu Sài Gòn – Đông Xuân hiện nắm giữ tổng cộng 33,85% cổ phần tại BSP.

Một cổ phiếu cũng giao dịch khá ấn tượng là SCD của CTCP Nước giải khát Chương Dương với mức tăng 36% tính từ đầu tháng 9 tới nay. Chương Dương không hoạt động trong lĩnh vực bia như các doanh nghiệp khác trong “họ Sabeco” mà chuyên sản xuất các sản phẩm nước giải khát như sá xị, soda, trà, nước khoáng….

Hiện tại, thị phần nước giải khát của Chương Dương tại Việt Nam chỉ xấp xỉ 1%. Còn xét riêng về nước có gas thì doanh nghiệp này chiếm 3% thị phần. Năm 2015, Chương Dương đạt doanh thu 355 tỷ đồng, lãi ròng 26 tỷ đồng. Sabeco đang nắm giữ 62,06% cổ phần tại doanh nghiệp này.

Có mức tăng trưởng kém hơn đôi chút là cổ phiếu WSB của Bia Sài Gòn- Miền Tây. Kết thúc phiên giao dịch 21/9, thị giá WSB đạt 43.000đ, tăng 20% so với thời điểm đầu tháng. WSB là một trong những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất của Sabeco với lợi nhuận trong những năm gần đây đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng. Ngoài ra, tỷ lệ chi trả cổ tức của WSB cũng khá ổn định ở mức 25% mỗi năm. Cổ đông lớn Sabeco hiện nắm giữ 51% cổ phần WSB.

Cũng thu hút dòng tiền khá mạnh trong thời gian gần đây là SMB của Sài Gòn – Miền Trung. Chỉ trong 2 phiên giao dịch gần nhất (20 và 21/9), SMB đã tăng tới 16% lên 31.300đ và mức giá này cũng cao gần gấp đôi so với hồi đầu năm. SMB là doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả trong “họ Sabeco” với doanh thu hàng năm thường trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2015, doanh thu SMB giảm mạnh 38% so với năm trước xuống 758 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp lại tăng vọt 21% lên 80 tỷ đồng. Sabeco hiện nắm giữ 32,32% cổ phần SMB.

Ngoài những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ uống thì Sabeco còn nắm giữ gần 19 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 20,22%) tại Thủy điện miền nam (SHP). Mới đây, Sabeco đã đăng ký thoái toàn bộ vốn khỏi SHP và nhiều khả năng giao dịch này đã được thực hiện trong phiên 21/9 qua phương thức khớp lệnh. Theo ước tính, Sabeco đã thu về 360 tỷ đồng từ việc thoái vốn SHP. Đóng cửa phiên giao dịch 21/9, cổ phiếu SHP tăng 500đ (2,7%) lên 19.000đ với khối lượng khớp lệnh kỷ lục gần 20 triệu đơn vị.

Cổ phiếu “họ Habeco” dậm chân tại chỗ 

Có phần kém sôi động hơn Sabeco, cổ phiếu Habeco hiện được một số nhà đầu tư chào mua với mức giá 47.000đ – 48.000đ trên thị trường OTC, chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với thời điểm đầu tháng 8. Khối lượng đặt mua cổ phiếu Habeco trên OTC cũng không quá nhiều như những gì đang diễn ra với Sabeco. Đây cũng là điều dễ hiểu khi hoạt động kinh doanh của Habeco trong những năm gần đây đã tụt hậu đáng kể so với Sabeco. Không những vậy, Habeco hiện đã bị Heineken vượt mặt và chỉ còn đứng thứ 3 về thị phần bia tại Việt Nam.

Tương tự, cổ phiếu các doanh nghiệp “họ Habeco” cũng gần như không có biến động đáng chú ý nào trong giai đoạn gần đây. Cổ phiếu BHP của Bia Hà Nội – Hải Phòng có mức tăng gần gấp đôi từ đầu tháng tới nay, tuy nhiên trong 9 phiên giao dịch gần nhất cổ phiếu này không xuất hiện giao dịch.

Theo Hoàng Anh/Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

Chứng khoán Mỹ lao dốc, giá dầu bật tăng hơn 3%

Chứng khoán Mỹ lao dốc, giá dầu bật tăng hơn 3%

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào thứ Sáu sau khi báo cáo việc làm “nóng” hơn dự kiến một lần nữa củng cố dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất vào năm nay…

Mua gom các cổ phiếu với kỳ vọng nắm giữ trung - dài hạn

Mua gom các cổ phiếu với kỳ vọng nắm giữ trung - dài hạn

Nhà đầu tư nên tận dụng những phiên phục hồi kỹ thuật trong ngắn hạn để cơ cấu lại danh mục, bán bớt các cổ phiếu chưa có xu hướng hồi phục rõ ràng để tích lũy sức mua và giải ngân một phần để mua gom các cổ phiếu với kỳ vọng nắm giữ trung - dài hạn ở những vùng giá thấp trong phiên...