Sacombank cấp hơn 48% vốn tự có cho doanh nghiệp đầu tư vào dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An

Theo Thanh tra Chính phủ, tổng dư nợ tín dụng với 16 khách hàng tại Sacombank lên tới 15.218 tỷ đồng vào 31/8/2018. Trong đó, ngân hàng này cho 09 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng để đầu tư vào dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An…
ngân hàng
Đến 30/6/2018 tại Sacombank, nợ xấu là 8.137 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 3,3%. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 17,19%, tương ứng với giá trị 49.465 tỷ đồng.

Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017 cho thấy nhiều bất cập xảy ra tại các ngân hàng. Trong đó có Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo Thanh tra Chính phủ, tại báo cáo của Sacombank, tại thời điểm 31/12/2017, nợ xấu là 9.468 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 4,28%, nếu tính cả nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 19,71%, tương ứng 51.945 tỷ đồng.

Đến 30/6/2018, nợ xấu là 8.137 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 3,3% (trong đó các khoản nợ xấu chưa đủ điều kiện bán nợ VAMC theo đề án tái cơ cấu là 6.141 tỷ đồng). Tuy nhiên, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tại thời điểm 30/6/2018, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank là 17,19%, tương ứng với giá trị 49.465 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số khoản nợ nhóm 1, nhóm 2 được cơ cấu gia hạn thời gian trả nợ, tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu là 1.819 tỷ đồng.

Kiểm tra 09 khách hàng, bao gồm: Công ty Cổ phần Him Lam Thủ Đô; Công ty Cổ phần Đầu tư Hồng Bàng; Công ty Cổ phần Đầu tư, Xây dựng Bảo Lộc; Công ty Cổ phần Đầu tư TM - DV Nam Thắng; Công ty Cổ phần TMXD Công Phúc; Công ty Cổ phần Hạ tầng Bảo Tín; Công ty Cổ phần ĐTXD Việt Phú Mỹ; Công ty Cổ phần QLĐTXD Việt Hà, Công ty Cổ phần XDTMDVDL Hiệp Ân. Tổng dư nợ tại thời điểm 31/8/2018 là 9.262 tỷ đồng (chiếm 48,52% vốn tự có của Sacombank), mục đích vay vốn để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng một dự án.

Thanh tra Chính phủ cho biết, 09 khách hàng không có mối quan hệ liên quan theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án mà vay vốn để chuyển cho bên thứ 3 thực hiện thông qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về việc chuyên nhượng các phân khu thuộc dự án.

Trong khi đó, việc thẩm định năng lực tài chính để thực hiện dự án chỉ dừng lại ở khách hàng vay vốn, không thẩm định đối với đơn vị thực hiện dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng do đến thời điểm thanh tra dự án đang gặp nhiều khó khăn về tính pháp lý đất đai trong thời gian dài, làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh dự án đã được ngân hàng phê duyệt, ảnh hưởng chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh của Sacombank trong giai đoạn thực hiện đề án tái cơ cấu.

Dự án Sài Gòn Bình An, tên gọi mới là The Global City do Masterise Homes làm đơn vị phát triển. Đây là dự án được phê duyệt hơn 20 năm trước, quy mô rộng 117 ha. Tính đến nay, tổng giá trị huy động qua trái phiếu liên quan đến dự án đã được lên kế hoạch và thực hiện giai đoạn 2021 đến đầu năm 2022 lên tới 22.075 tỷ đồng (gần một tỷ USD). Mức giá bán cao nhất ở phân khu nhà phố, shophouse (gồm 1 trệt, 3 lầu, 1 tum, có thang máy) vào khoảng 400 triệu đồng/m2 tại năm 2022.

ngân hàng
Sacombank cấp hơn 48% vốn tự có cho doanh nghiệp đầu tư vào dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An

Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra hồ sơ vay vốn của 09 khách hàng này tại Sacombank phát hiện một số thiếu sót, vi phạm như:

Một số khách hàng cung cấp số liệu Báo cáo tài chính có sự sai lệch giữa số liệu gửi Sacombank và cơ quan Thuế như Công ty Cổ phần TMXD Công Phúc, Công ty Cổ phần ĐTXD Việt Phú Mỹ, Công ty Cổ phần ĐT và TMDV Nam Thắng.

Ngân hàng chưa kiểm soát chặt chẽ, một số khách hàng cùng vay vốn tại Sacombank và ngân hàng khác để giải ngân cho họp đồng nhận chuyển nhượng phân khu thuộc dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An của Công ty SDI.

Việc kiểm tra sau cho vay chưa ghi nhận, đánh giá đầy đủ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn về pháp lý của dự án; cho vay để thực hiện dự án nhưng dự án chậm tiến độ, làm phát sinh chi phí lãi vay lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh đã được ngân hàng phê duyệt khi cho vay.

Rủi ro, bất cập trong xác định tính pháp lý của tài sản đảm bảo dùng thế chấp chung cho khoản vay của 09 khách hàng là toàn bộ các quyền tài sản/lợi ích thu được từ dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An trong điều kiện dự án chưa có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu dự án. Chủ đầu tư đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất của Dự án Khu liên hợp sân Golf - thể dục thể thao và nhà ở với số tiền 57,787 tỷ đồng, nhưng khi chuyển đổi mục đích sử dụng sang Dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đang trong quá trình xác định lại tiền sử dụng đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính, do vậy chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bất cập trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo là toàn bộ các quyền tài sản/lợi ích thu được mà chủ đầu tư có được từ hoạt động đầu tư, kinh doanh, khai thác dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An do khách hàng vay vốn (bên nhận chuyển giao quyền tài sản) không được tiếp tục kế thừa quyền và nghĩa vụ thực hiện dự án đang dở dang theo qui định của pháp luật đất đai, đầu tư, xây dựng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm 10/10/2021 có 14/16 khách hàng đã tất toán; còn 02 khách hàng còn dư nợ: Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản Dấu ấn Sài Gòn, dư nợ: 2.335 tỷ đồng, nợ nhóm 1; Công ty Cổ phần Đồng Tâm, dư nợ: 29 tỷ đồng, nợ nhóm 1.

Có thể bạn quan tâm