Sacombank có cảm tính khi đổi mã cổ phiếu, chuyển sàn?

Kế hoạch mới chỉ trù tính, còn xin ý kiến đại hội đồng cổ đông, song nhà đầu tư lập tức tính toán ngay diễn tiến của sự việc...
Sacombank có cảm tính khi đổi mã cổ phiếu, chuyển sàn?

Một trong những sự kiện tâm điểm trên thị trường chứng khoán tuần qua: Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về kế hoạch thay đổi mã chứng khoán và chuyển sàn niêm yết.

Cụ thể, Hội đồng Quản trị muốn đổi mã chứng khoán STB của mình thành SCM, chuyển niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Phản ứng tức thời trước sự kiện này, giá cổ phiếu STB của Sacombank có phiên lao dốc mạnh ngày 12/10, có thời điểm suýt chạm sàn, trước đà bán tháo của nhà đầu tư.

Ở phiên nối tiếp 13/10, giá cổ phiếu này tiếp tục giảm sâu với các quyết định bán ra quyết liệt, và có hướng gượng lại cuối phiên.

Chỉ mới bốn tháng trước, trung tuần tháng 6/2017, cổ phiếu STB đón nhận sự nhập cuộc lớn của khối nhà đầu tư nước ngoài, điển hình như phiên mua vào tới 13,2 triệu cổ phiếu ngày 16/6. Dòng chảy này trở nên nổi bật trước thềm Sacombank bước vào giai đoạn mới, với thay đổi lớn từ đại hội đồng cổ đông ngày 30/6 ngay sau đó.

Nhưng, trong hai phiên vừa qua, chính nhà đầu tư nước ngoài cũng là lực lượng bán ra quyết liệt cổ phiếu STB, lượng bán ròng lớn thể hiện ngay sau khi có sự kiện đổi mã, chuyển sàn nói trên.

Kế hoạch mới chỉ trù tính, còn xin ý kiến đại hội đồng cổ đông, song nhà đầu tư lập tức tính toán ngay diễn tiến của sự việc. Cổ phiếu Sacombank nếu chuyển sang niêm yết ở HNX, nó sẽ không còn nằm trong rổ VN30, không thuộc tiêu chí lựa chọn trong danh mục của quỹ ETF… Và theo đó, lo ngại khối ngoại “tháo chạy” là một trong những áp lực đối với giá cổ phiếu.

Tính đến ngày 13/10/2017, theo dữ liệu của công ty chứng khoán FPTS, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm 9,01% cổ phần Sacombank, tương ứng 169.858.149 cổ phiếu.

Hiện kế hoạch mới chỉ ở mức độ xin ý kiến đại hội đồng cổ đông, chưa có lộ trình dự kiến cụ thể. Tuy nhiên, việc đổi tên mã chứng khoán và chuyển sàn là một vấn đề lớn, không chỉ là việc khoác một chiếc áo mới để “phá dớp”.

Trước nay chưa có tiền lệ cổ phiếu niêm yết đổi tên mã. Ngay như mã NVB hiện nay của Ngân hàng Quốc Dân (NCB) vẫn phải dùng “di sản” tên mã niêm yết của tiền thân là Ngân hàng Nam Việt (Navibank). Trường hợp Sacombank muốn thay đổi trên, họ phải hủy niêm yết trên HOSE, lấy tên mã mới và niêm yết mới trên HNX.

Ngay khi thông tin sự kiện trên ra thị trường, trên mạng xã hội hay một số diễn đàn nhà đầu tư chứng khoán, tên mã “SCM” được diễn giải hai chữ “CM” thành “Công Minh” - tên của ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị đương nhiệm, người vừa bước vào Sacombank chính thức bốn tháng.

Ông Dương Công Minh cũng lý giải trên báo chí: “Mã chứng khoán STB hiện nay có hai vấn đề. Một là về mặt phong thủy, người ta nói STB có nghĩa là “Sao Thái Bạch”. Theo phong thủy đây là sao rất xấu, gắn liền với câu “Thái Bạch quét sạch của nhà”. Bị sao này chiếu sẽ gặp hạn về sức khỏe, làm thua lỗ… Do vậy, để thoát khỏi quan niệm này Sacombank đổi mã chứng khoán”.

Và chữ “CM” trong mã mới dự kiến đổi là “SCM” được ông Minh giải thích với nghĩa “Công khai - Minh bạch”.

Diễn biến giá cổ phiếu gắn liền với tình hình và triển vọng hoạt động của doanh nghiệp. Tại Sacombank, giá cổ phiếu STB phục hồi mạnh từ đầu năm 2017 đến nay, đặc biệt ở các đợt tăng cao trước thềm đại hội đồng cổ đông ngày 30/6 với tính chất quyết định số mệnh doanh nghiệp, hay cú bật từ sự kiện chính ông Dương Công Minh đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu vừa qua…

Từ sau thời điểm bản lề 30/6/2017, bản thân hoạt động của Sacombank cũng có nhiều chuyển động đáng chú ý. Lợi nhuận ngân hàng này cập nhật các kỳ khả quan, năm nay có triển vọng vượt 1.000 tỷ đồng; mục tiêu xử lý 20.000 tỷ đồng nợ xấu hứa hẹn; một loạt hợp tác toàn diện với các tổ chức lớn lần lượt được ký kết; nhiều sản phẩm mới, tiện ích công nghệ mới lần lượt ra mắt thị trường…

Nhà đầu tư kỳ vọng Sacombank nhanh chóng vượt qua khó khăn, chuyển mình. Kỳ vọng này phản ánh nhất định vào giá cổ phiếu STB.

Song, cũng chính sự kiện kế hoạch đổi tên, chuyển sàn nói trên cũng vừa tạo đà lao dốc của giá cổ phiếu. Phản ứng bước đầu của thị trường chứng khoán là đáng ngại với kế hoạch đổi tên mã để “phá dớp” sao Thái Bạch, như ông Minh nói.

Diễn tiến của phản ứng còn ở phía trước. Nếu Sacombank quyết tâm đổi mã, chuyển sàn, nếu nhà đầu tư nước ngoài buộc phải thoái bán ra cổ phiếu vì nó không nằm trong rổ VN30 nữa, không thuộc tiêu chí danh mục các quỹ…, giá cổ phiếu có thể chịu áp lực tiêu cực - tình huống không loại trừ.

Tại Sacombank, một lượng lớn cổ phiếu STB được dùng để đảm bảo cho khoản dư nợ khoảng 6.600 tỷ đồng; giá trị đảm bảo bình quân theo tìm hiểu của VnEconomy vào khoảng gần 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong giả định trên, nếu giá cổ phiếu STB rơi xuống dưới mốc 10.000 đồng, vấn đề lớn sẽ đặt ra cho Sacombank ở giá trị đảm bảo cho khoản dư nợ đó, cũng như triển vọng có thể bán được lượng cổ phiếu thế chấp đó được giá tốt để thu hồi nợ.

Với những đối tác hoặc nhà đầu tư lớn khác, trong giả định trên, nếu giá cổ phiếu STB bị giảm sâu, chi phí trích lập dự phòng, giá trị đầu tư… ở những cái tên gần gũi như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), hay Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)…, đang sở hữu lượng khá lớn cổ phiếu STB, cũng là một vấn đề không còn cảm tính.

Theo Minh Đức/ VnEconomy

>> Sacombank muốn đổi mã chứng khoán, chuyển niêm yết sang HNX

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...