Sàn tiền ảo "tấn công" nhà đầu tư Việt với lợi nhuận siêu tưởng

Sau khi hàng loạt sàn vàng, sàn đầu tư forex bị đánh sập, một số sàn tiền ảo bắt đầu tung chiêu để thu hút nhà đầu tư Việt, với lợi nhuận được quảng cáo ở mức siêu tưởng.
Sàn tiền ảo "tấn công" nhà đầu tư Việt với lợi nhuận siêu tưởng

Nở rộ đầu tư ủy thác tiền ảo

Khi cơn sốt tiền ảo bắt đầu rộ lên ở Việt Nam thì cũng là lúc các sàn đầu tư tiền ảo theo hình thức ủy thác lên cơn sốt với cái mác mỹ miều là các website đầu tư tài chính. Theo đó, các website này đều đưa ra mức lợi nhuận vô cùng hấp dẫn để kêu gọi nhà đầu tư rót tiền ủy thác.

Có thể kể tên vô số website được giới môi giới chào hàng với nhà đầu tư Việt như Ethtrade, Bitcoinnect, LargoBit, CoinReum, Questra, Iseiko… Điểm chung của các website này là thành lập chưa lâu, thậm chí có sàn mới đi vào hoạt động vài tháng. Mặc dù vậy, các sàn này đều giới thiệu lịch sử hoạt động với doanh số “khủng” và đưa ra mức lợi nhuận vô cùng béo bở cho nhà đầu tư.

Đơn cử, theo quảng cáo của môi giới sàn Questra, công ty này có tới 8 gói đầu tư với mức lợi nhuận từ 4 - 6,2%/tuần, tức 208 - 322%/năm. Ngoài mức lợi nhuận nhận được mỗi tuần, nhà đầu tư còn có cơ hội nhận hoa hồng 5 - 15% nhờ vào phát triển mạng lưới.

Ví dụ, với gói đầu tư Blue (2.430 euro, tương đương gần 68 triệu đồng), sau 1 tháng, nhà đầu tư sẽ thu về 525 euro (14,5 triệu đồng) và lợi nhuận trong 1 năm là 175 triệu đồng, gấp hơn 2,5 lần số vốn bỏ ra.

Tương tự Questra, các sàn đầu tư tiền ảo ủy thác khác cũng công bố mức lãi khủng từ 0,5 đến 3%/ngày, tùy theo số tiền bỏ ra ban đầu. Mức lãi tính theo tháng là 30-40%. Số tiền đầu tư ban đầu càng lớn, tỷ suất lợi nhuận càng cao. Đơn cử, sàn Bitcoinnect được môi giới quảng cáo lợi nhuận 30 - 40%/tháng, Tradeview quảng cáo lợi nhuận lên tới 1,8%/ngày, 54%/tháng…

Để khuyến khích nhà đầu tư sớm rót tiền đầu tư ủy thác vào các sàn tiền ảo, thậm chí, quỹ đầu tư T.S (viết tắt) còn cam kết trích thưởng cho nhà đầu tư 5-7% nếu chuyển tiền trước 30/9/2017. Dù có lợi nhuận cao đến mức khó tin, song hình thức rót vốn kiểu bơm tiền ngồi chờ sung rụng như trên lôi kéo hàng trăm nhà đầu tư tham gia, bất chấp rủi ro, cạm bẫy giăng trước mắt.

Kênh đầu tư không dành cho người yếu tim

Tại Việt Nam, đầu tư vào tiền ảo đang trở thành cơn sốt. Không có gì ngạc nhiên khi Hội thảo “Tiền điện tử và chuỗi khối Blockchain 2017” diễn ra cuối tuần qua đã thu hút hàng trăm người tham gia, chủ yếu là giới trẻ am hiểu công nghệ thông tin.

Cơn khát làm giàu bằng cách “đào” tiền ảo đang rộ lên trong giới trẻ, sau khi đồng bitcoin (BTC) tăng giá phi mã từ đầu năm đến nay. Với những nhà đầu tư không am hiểu về công nghệ, đầu tư ủy thác theo hình thức trên đang được nhiều người quan tâm.

Dựa trên nền công nghệ chuỗi khối blockchaink, tiền ảo đang phát triển như vũ bão. Giá trị vốn hóa của các đồng tiền ảo trên thế giới đã lên tới 145 tỷ USD (tính tới đầu tuần này). Ở nước ta, mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái khẳng định, tiền ảo không được chấp nhận là một phương tiện thanh toán. Trước đó, cơ quan này đã nhiều lần cảnh báo người dân và nhà đầu tư những rủi ro về đầu tư tiền ảo.

Trên thực tế, dù tiền ảo đang trở thành một xu hướng khó chống lại của cách mạng công nghệ 4.0, song ở Việt Nam, ngay cả khi chưa được chấp nhận, tiền ảo đã có nhiều biến tướng đáng sợ, đặc biệt là biến tướng kinh doanh đa cấp, đánh bạc online. Đáng nói là, hầu hết sàn huy động vốn ủy thác đầu tư tiền ảo đều có địa chỉ ở nước ngoài, danh tính không rõ ràng. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ. Tình trạng này đã từng xảy ra với sàn vàng, sàn forex trước đây.

Thực tế, dù có trên 1.000 loại tiền ảo đang tồn tại, song chỉ có khoảng 10 đồng tiền ảo được chấp nhận tương đối rộng rãi, còn lại hầu như không có giá trị. Ngay cả 10 đồng tiền ảo được chấp nhận cũng nhiều phen khiến nhà đầu tư đau tim.

Cụ thể, BTC đã tăng giá gấp đôi (hơn 2.000 USD/BTC) trong năm nay, song cũng chỉ cần một số thông tin bất lợi từ Trung Quốc (thông tin nước này cấm các sàn tiền ảo ngừng hoạt động), đồng tiền này rớt ngay gần 1.000 USD.

Thậm chí, Ethereum - đồng tiền ảo đình đám thứ hai sau BTC - trong tháng 6 năm nay cũng khiến nhiều nhà đầu tư lâm vào khủng hoảng khi rớt từ 320 USD/ETH xuống còn 0,1 USD/ETH.

Rõ ràng, sự tăng, giảm giá từ vài trăm đến vài ngàn USD trong vòng “một nốt nhạc” của tiền ảo cho thấy, việc rót tiền trên kênh đầu tư này không dành cho những người yếu tim.

Theo Hà Tâm/ Đầu Tư

>> Việt Nam không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...