Theo DAA, trung bình mỗi gia đình Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,8kg rau, củ mỗi ngày. Rau có ở tất cả mọi nơi, từ các cửa hàng, chợ cho tới siêu thị, nhưng rau có an toàn hay không là một câu hỏi lớn đối với người tiêu dùng.
Do đó, DAA đã giới thiệu đề án ứng dụng công nghệ số trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng cách sử dụng tem thông minh “DAA Stamp”. Loại tem này giúp truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng các loại thực phẩm an toàn. Dự án cũng sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng đầu vào của chuỗi sản xuất phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật,...
“Người tiêu dùng sẽ dễ dàng biết được thực phẩm mình chọn mua có nguồn gốc ở đâu, do ai nuôi trồng, quá trình chăm bón như thế nào. Loại tem này cũng giúp các sản phẩm chất lượng cao không bị đánh đồng với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường”, DAA cho biết.
Cũng tại hội nghị, một doanh nghiệp liên doanh với đối tác Hà Lan đã công bố khoản đầu tư 1.200 tỷ đồng xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín an toàn, có truy xuất nguồn gốc.
Theo đó, doanh nghiệp này sẽ xây dựng chuỗi “Thung lũng thực phẩm an toàn” ở tỉnh Bình Phước và Đồng Nai với sản phẩm chính là thịt heo, thịt gà, trứng gà, rau củ quả, một số loại trái cây và phân bón.
Đó là có khả năng truy xuất từ con giống, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ đến từng sản phẩm trên thị trường.
Mỗi sản phẩm khi bán ra thị trường đều được đóng gói có mã vạch truy xuất nguồn gốc, tem niêm phong đảm bảo. Người tiêu dùng có thể sử dụng các phần mềm cài đặt trên điện thoại di động của mình để có thể kiểm tra về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Theo Song Hà/Vneconomy