Sau 3 tháng đầu năm, tổng tài sản MSB tăng 11%

Theo số liệu báo cáo vừa công bố, kết thúc quý 1/2023, tổng tài sản của Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Mã chứng khoán: MSB) đạt gần 235.500 tỷ đồng…
ngân hàng

Cụ thể, trong số liệu vừa công bố, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của MSB đạt gần 235.500 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022. Cho vay khách hàng đạt gần 137.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với 31/12/2022.

Tỷ trọng cho vay giữa cá nhân và doanh nghiệp của ngân hàng vẫn theo tỷ lệ 30% -70% trong tổng dư nợ tín dụng. Tiền gửi khách hàng đạt trên 126.000 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 32%.

Ngân hàng này vẫn duy trì được các chỉ số an toàn trong việc quản trị rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của MSB tại ngày 31/3/2023 là 1,42%. Tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 ở mức 11,55%.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng duy trì thanh khoản dồi dào khi tỷ lệ dư nợ trên huy động đạt mức 68,8% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của mảng ngân hàng được kiểm soát ở mức 28,8% (so với yêu cầu 37%). Tỷ lệ nợ tái cơ cấu còn 1.366 tỷ đồng, giảm so với cuối năm 2022.

Kết thúc quý 1/2023, tổng thu nhập hoạt động của MSB đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, thu nhập lãi thuần chiếm 75%, đạt hơn 2.150 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, dựa trên việc kiểm soát danh mục tín dụng và được dẫn dắt bởi biên lãi thuần ở mức 4,39%.

Thu nhập ngoài lãi cán mốc 710 tỷ đồng, ghi nhận tăng trưởng tốt từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư khi lãi thuần mảng này tăng 52% so với thời điểm kết thúc quý 1/2022. Chốt ngày 31/3/2023, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 1.526 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022.

Đại diện MSB chia sẻ: “Trong bối cảnh kịch bản tích cực năm 2023 còn tương đối dè dặt, chúng tôi cân nhắc việc hài hòa giữa tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát rủi ro. Cẩn trọng là lựa chọn tiên quyết, thay vì đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá. Định hướng 2023 của MSB là tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng thông qua các dự án số, từ đó mở rộng tệp khách hàng, tăng số lượng sản phẩm trung bình mà một khách hàng sử dụng. Đây là cơ sở để thúc đẩy các yếu tố bền vững hơn”.

Về kế hoạch chuyển đổi số, trong năm 2023, với mảng bán lẻ, ngân hàng mở rộng tính năng mới cho sản phẩm tín chấp, cho phép khách hàng chủ động lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu trên cùng một hạn mức được cấp nhằm tối ưu trải nghiệm sử dụng.

Bên cạnh đó, MSB tiến tới số hóa toàn bộ các sản phẩm vay thế chấp, bảo hiểm cho người vay vốn, bảo hiểm nhân thọ. Với phân khúc chủ kinh doanh, gần đây, MSB ra mắt combo tín chấp bao gồm vay – thấu chi – thẻ tín dụng, mang tới người dùng trải nghiệm tài chính linh hoạt, đăng ký và sử dụng dễ dàng chỉ với 1 thiết bị kết nối internet.

Đối với doanh nghiệp, toàn bộ hành trình vay vốn được ngân hàng tập trung tối ưu hóa, bao gồm cấp mới và tái cấp tín dụng. Đặc biệt, giải pháp vay siêu tốc (quick loan) với quy trình tiếp cận nhanh gọn sẽ gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...