Sau một năm thắng lợi vẻ vang, ngành thủy sản hiện đang ra sao?

Năm 2022 là một năm thành công đối với ngành thủy sản nhờ vào nhu cầu bị dồn nén của thị trường Mỹ, tuy nhiên sang đến năm 2023 ngành thủy sản gặp nhiều biến động không mấy tích cực…
ngành thủy sản

Bước sang năm 2023, những dự báo về tình thế khó khăn của các ngành thủy sản Việt Nam đã được đưa ra khi lực cầu của nhiều thị trường xuất khẩu chính chững lại trong bối cảnh lãi suất tăng cao, lạm phát vẫn còn kéo dài. Thực tế đã chứng minh, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản trong quý 1/2023 đã lùi sâu so với cùng kỳ năm ngoái.

Những con số “đi lùi”

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 2,57 tỷ USD, giảm 29% so quý 1 năm ngoái. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm mạnh từ 10-41% do nhu cầu tiêu thụ thị trường chính bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát cao, suy thoái kinh tế khiến cả lượng xuất khẩu và giá bán bình quân đều giảm.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tôm và cá tra là thế mạnh của ngành thủy sản Việt Nam tuy nhiên hai ngành này lại ghi nhận sự tụt giảm. Theo Agromonitor, tiếp nối xu hướng giảm từ quý 4/2022, xuất khẩu cá tra giảm lần lượt 23% về khối lượng và 34% về kim ngạch xuất khẩu do nhu cầu từ các thị trường chính yếu hơn trong khi mức tồn kho cao của các nhà nhập khẩu và mức nền cao quý 1/2022. 

ngành thủy sản

Về giá xuất khẩu phi lê cá tra, so với mức đỉnh vào giai đoạn tháng 7-8/2022, giá phi lê trong tháng 4/2023 vẫn thấp hơn rất nhiều mặc dù đã có sự phục hồi. Theo như báo cáo ngành cá tra của VCBS, giá cá tra xuất khẩu sẽ có khả năng tăng trở lại từ quý 3/2023, khi nhu cầu nhập khẩu cá tăng trở lại để phục vụ cho các dịp lễ cuối năm.

Trong báo cáo ngành thủy sản của VNDirect dự báo rằng kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ giảm 37% trong đó giá bán bình quân giảm 9% và khối lượng xuất khẩu giảm 29% so với cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này là do nhu cầu bị suy yếu khi lạm phát tăng cao cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác như Ecuador và Ấn Độ.

Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải chịu chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán tại các thị trường chính lại sụt giảm. Điều này khiến cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp không mấy thuận lợi. Điển hình như nhà xuất khẩu tôm niêm yết lớn nhất Tập Đoàn Thủy Sản Minh Phú ghi nhận khoản lỗ 98 tỷ đồng trong quý 1/2023.

Kỳ vọng tín hiệu phục hồi

Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam. Đứng trước bối cảnh lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế buộc người dân Mỹ phải thắt chặt chi tiêu ngay cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm. 

Theo dữ liệu từ Cục Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia, cả tổng khối lượng và giá nhập khẩu của thị trường Mỹ đều có xu hướng giảm kể từ đầu nửa cuối năm 2022. Ngay cả trong những tháng cuối năm khi diễn ra các kỳ nghỉ lễ lớn trong năm 2022, thường được coi là thời điểm tiêu thụ thủy sản cao, giá trị nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ vẫn giảm.

Đến tháng 3/2023, khối lượng nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi nhưng giá trị nhập khẩu vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Điều này cho thấy, nhìn chung, thị trường Mỹ đang có xu hướng nhập khẩu các mặt hàng thủy sản giá rẻ hơn, thể hiện tác động của lạm phát cao đến tiêu dùng của người dân. Sức tiêu thụ thủy sản của Mỹ suy yếu đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

VNDirect nhận định rằng nhu cầu thủy sản của Mỹ có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện từ tháng 5 khi giá cá tra xuất khẩu bình quân có xu hướng tăng và lạm phát bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Thêm vào đó, các dịp lễ cuối năm sẽ  giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40-50%.

Trái ngược với thị trường tại Mỹ thì nhu cầu về cá tra của thị trường EU lại ổn định nhờ lạm phát cao do người dân tại thị trường này ưa chuộng cá thịt trắng của Việt Nam với mức giá hợp lý. Hầu hết các thị trường trong EU đều tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam, trong đó nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng hai con số: Romania (36%), Thụy Điển (53%), Đan Mạch (34%), Bulgaria (49%). Một số thị trường nhỏ hơn tại châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng dương 3 con số như: Đức (100%), Litva (429%), Phần Lan (436%).

VNDirect kỳ vọng nhu cầu đối với cá tra của Việt Nam tại thị trường EU sẽ ổn định trong nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm do lạm phát tại EU vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Trước lực cản từ nhu cầu thị trường suy yếu, các doanh nghiệp thủy sản đặt nhiều kỳ vọng trái chiều đặc biệt là các doanh nghiệp cá tra cẩn trọng hơn so với năm 2022.

Hầu hết các doanh nghiệp đều đặt kế hoạch doanh thu 2023 lớn hơn hoặc bằng doanh thu năm 2022. Ngoài ra, họ đang “cài số lùi” cho lợi nhuận giảm đáng kể. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đều đặt mục tiêu lợi nhuận gộp giảm mặc dù giá bán bình quân của sản phẩm có thể duy trì ở mức cao do lạm phát.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có phần lạc quan hơn về kết quả kinh doanh năm 2023 khi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ.

Có thể bạn quan tâm