VASEP gửi 7 kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu thủy sản

Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu thủy sản…
xuất khẩu thủy sản
7 kiến nghị của Vasep tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu thủy sản. Ảnh minh họa

Mặc dù, năm 2022 thị trường sản xuất, xuất khẩu thủy sản đã gặt hái được nhiều thành công, song đầu năm 2023 ngành này đã đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. 

Nhận diện nhiều khó khăn

Hiệp hội VASEP cho biết, sau 25 năm hoạt động, tổng doanh số xuất khẩu của VASEP chiếm 80 – 83% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hàng năm của cả nước,  góp một phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đạt mốc kỷ lục 11 tỷ USD trong năm 2022 và  đưa ngành thủy sản Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Na-uy.

Theo đó, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến 2025 của hiệp hội là 12,5 - 14 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đó, bên cạnh một số cơ hội, lợi thế, hiệp hội đồng thời nhận diện được nhiều khó khăn, thách thức đang ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành.

Đặc biệt bối cảnh năm 2023, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động xấu đến sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm từ 20-50%, lượng tồn kho tăng.

Nhìn chung, thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại. Do đó, hầu hết bà con nông ngư dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biếnVASEP nếu ý kiến. 

Mặt khách, chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công…trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn để có thể xuất khẩu được lô sản phẩm hải sản khai thác vào EU, do còn nhiều bất cập theo quy định IUU.

Theo thống kê của hiệp hội, kết quả là quý 1/2023 xuất khẩu sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính. 

Với diễn tiến này, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý 3/2023 và tập trung lớn nhất hiện nay là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục.

Trước diễn biến hiện nay, VASEP khuyến nghị, các doanh nghiệp sẽ cần tập trung triển khai các biện pháp để hoạt động kinh doanh được khơi thông. 

Cụ thể, các doanh nghiệp chủ động, tìm kiếm cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục trở lại, điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm.

Doanh nghiệp nên nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu cho các thị trường nhằm tận dụng năng lực chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì việc làm ổn định cho người lao động.

Đặc biệt là, doanh nghiệp nên tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định FTA để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, tham gia các chương trình giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng.

7 kiến nghị 

Sau khi xác định được những khó khăn của ngành, tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội VASEP đưa ra 7 kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu thủy sản. 

xuất khẩu thủy sản
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội VASEP

Thứ nhất, về nguyên liệu và duy trì năng lực sản xuất nguyên liệu, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để sớm có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho nông, ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu. 

Cụ thể, VASEP xin đề xuất: “gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp, bằng với mức vay ngoại tệ cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch nếu thị trường lúc đó vẫn không tốt”. 

Về dài hạn, hiệp hội mong Chính phủ quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng.

Thứ hai, liên quan đến chứng nhận hải sản khai thác và khơi thông xuất khẩu, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh ven biển quyết liệt chỉ đạo gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban Châu Âu (EC). 

Trong đó, ưu tiên lớn nhất là không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền - khai thác, đẩy nhanh việc số hóa quy trình kiểm tra - cấp xác nhận, chứng nhận khai thác. 

Thứ ba, vấn đề tín dụng và lãi suất, hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo, điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu

Đồng thời, phải có chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý 1-2/2023.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản”.

Thứ tư, liên quan đến việc tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam. VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo duy trì một số chính sách giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng, nghiên cứu sửa đổi, đề xuất mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung kiểm soát các cơ sở sản xuất giống thủy sản, kiểm soát chất lượng tôm giống bố mẹ, cũng như có các biện pháp giúp bình ổn giá thức ăn, thuốc thú y.

Thứ năm, liên quan đến chi phí tuân thủ xử lý môi trường, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa đổi để có quy chuẩn nước thải riêng, phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, chỉnh sửa các quy định về chỉ tiêu phospho cho nước thải chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế…

Thứ sáu, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với VASEP triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho trước hết 3 sản phẩm chủ lực của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ từ quý 4/2023.

Đặc biệt, Chính phủ nên có sự quan tâm cho xây dựng một chiến lược dài hạn 10 năm với mục tiêu tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Ngoài thị trường Trung Quốc, VASEP cũng kiến nghị Chính phủ rà soát và làm việc với phía Chính phủ Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam. 

Cuối cùng là vấn đề biến đổi khí hậu và hạ tầng thiết yếu cho khai thác, nuôi trồng thủy sản, Chính phủ cần đầu tư mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Bởi đây là giải pháp quan trọng để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững.

Đồng thời, Chúng phủ nên khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, trại nuôi trồng thủy sản, đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản.

Ngoài ra, Nhà nước cũng nên quan tâm, đầu tư hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi…cho các vùng thủy sản được xác định là sản phẩm chính phải được ưu tiên thiết kế, xây dựng, vận hành đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến, thương mại thủy sản.

Có thể bạn quan tâm