Sau tin Youtube “dứt tình”, cổ phiếu “thánh gióng” Yeah1 giảm sàn liên tiếp

YouTube sẽ chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (gọi tắt là CHSA - Content Hosting Agreement) đối với công ty thuộc Tập đoàn Yeah 1 kể từ sau ngày 31/3/2019. Cổ phiếu YEG đã giảm sàn 2 phiên liên tiế
Sau tin Youtube “dứt tình”, cổ phiếu “thánh gióng” Yeah1 giảm sàn liên tiếp

Yeah1 sắp mất đi khoản lợi nhuận đáng kể từ mảng kinh doanh vận hành YouTube

Mất “miếng bánh béo bở”

Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã: YEG) vừa xác nhận thông tin về việc YouTube chấm dứt CHSA, một trong các mảng kinh doanh đang “hái ra tiền” của Yeah1 trong vài năm gần đây. Đối tượng chịu ảnh hưởng gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.

Được biết, Yeah1 đang sở hữu 76% cổ phần tại Yeah1 Network Pte Ltd, nắm 16,93% cổ phần SpringMe pte.ltd chuyên quản lý hình ảnh và phim trên ineternet, dịch vụ quảng cáo... Ngày 9/1/2019, Yeah 1 đã ký hợp đồng mua 100% cổ phần ScaleLab LCC (trụ sở tại Mỹ) từ các cổ đông hiện hữu với giá trị thương vụ là 20 triệu USD (khoảng 460 tỷ đồng). Việc mua công ty này sẽ giúp Yeah1 tăng lượng truy cập lên 6,9 tỷ lượt/tháng…

Thông tin bất lợi này đã ngay lập tức khiến cổ phiếu YEG của Yeah1 Group giảm sàn trong hai phiên giao dịch ngày 4 và 5/3, xuống 212.000 đồng, mất 15,2% thị giá và “trắng” bên mua. Vốn hóa thị trường công ty này bị “bốc hơi” gần 1.189 tỷ đồng.

Trong vòng 4 tháng qua, cổ phiếu YEG đã liên tục giảm mạnh sau khi xác lập đỉnh giá 300.000 đồng/CP- trở thành cổ phiếu đắt nhất trên sàn. Hiện, thị giá cổ phiếu YEG đã giảm tới 35% so với giá đỉnh 350.000 đồng/CP lúc mới niêm yết.

Cổ phiếu YEG liên tục “lên đỉnh- xuống đáy” kể từ khi lên sàn HoSE trong vòng 1 năm qua

Nguyên nhân của sự “dứt tình” hợp tác này, theo YouTube là do SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Tập đoàn Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc tập đoàn.

Được biết, Yeah1 chỉ là đơn vị quản lí, hỗ trợ và thực hiện các thủ tục thanh toán chi trả giữa đối tác và YouTube. Các đối tác sở hữu các kênh YouTube tham gia và nhận chia sẻ doanh thu quảng cáo từ YouTube trên nội dung do mình sáng tạo ra. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới các chủ sở hữu kênh Youtube giao dịch qua tập đoàn này.

Kéo theo đó là Yeah1 mất khoản lợi nhuận không hề nhỏ nếu Youtube “dứt tình” chấm dứt hợp tác và phải tìm cách bù đắp ở mảng kinh doanh khác. Bởi năm 2018, theo thông tin công bố, mảng kinh doanh YouTube AdSense đem về khoảng 1 triệu USD cho Yeah1, chiếm khoảng 13% lợi nhuận sau thuế cả tập đoàn.

Chủ tịch Yeah1 mua cổ phiếu “tít mù”

Giới đầu tư chứng khoán vẫn chưa hết “choáng” về cổ phiếu “thánh gióng” YEG khi lần đầu niêm yết trên HoSE với giá cao kỷ lục 250.000 đồng/CP (ngày 26/6/2018). Sau đó YEG tăng trần nhiều phiên lên tới 300.000 đồng/CP, vượt qua cả những cổ phiếu "đại gia" như SAB (Sabeco), VNM (Vinamilk), VIC (Vingroup), ROS (FLC Faros)… Với vốn điều lệ chỉ 312,8 tỷ đồng song giá trị vốn hoá của Yeah1 lên tới 9.381 tỷ đồng.

Không chỉ giá cổ phiếu cao ngất mà YEG xuất hiện những phiên giao dịch điều chỉnh biên độ rộng từ 15.000 đồng - 24.000 đồng/CP, thậm chí giá tăng trần- giảm sàn mà không rõ lý do… Điều này khiến giới đầu tư nghi ngờ việc cổ phiếu YEG có thể bị “thổi giá”? Bởi khối lượng cổ phiếu lưu hành ít, cơ cấu sở hữu cô đặc với hơn 65,4% cổ phần nằm trong tay nhóm cổ đông lớn, lãnh đạo công ty.

Chỉ số P/E (tỷ suất lợi nhuận/cổ phiếu) của YEG ở mức cao lên tới 83 lần, trong khi P/E của toàn thị trường chỉ khoảng 17 lần. P/E của YEG cũng vượt xa các ngân hàng, công ty bất động sản trên sàn như Vingroup, Vinamilk, Vietcombank… dù lợi nhuận của Yeah1 chỉ bằng chưa tới 1% của các “ông lớn” này.

Lãnh đạo Yeah1 cho rằng giá cổ phiếu YEG được định giá dựa trên chiết khấu dòng tiền tương lai. Nhất là khi cơ cấu doanh thu công ty chuyển dịch mạnh mẽ sang mảng kỹ thuật số, dự kiến đóng góp tới 84% vào năm 2020.

Còn ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành Vincapital (cổ đông lớn của Yeah1) cho rằng con số 250.000 đồng/CP không dùng đánh giá công ty mà nhìn vào lợi nhuận tăng trưởng mỗi năm 50-60% của Yeah1, ngành kinh doanh độc quyền, triển vọng… nên VinaCapital sẽ đầu tư lâu dài vào công ty này. Thế nhưng, giới đầu tư cho rằng Yeah1 đang “đếm cua trong lỗ” để làm đẹp báo cáo tài chính khi lên sàn, giúp đẩy giá cổ phiếu YEG lên cao, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Trong đó, kết quả kinh doanh hai năm 2017-2018 đã tăng đột biến, cụ thể: doanh thu hợp nhất đạt lần lượt 851 tỷ đồng và tăng gấp đôi lên 1.658 tỷ đồng trong năm 2018. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt 82 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần năm 2016 và tiếp tục nhân đôi lên 180 tỷ đồng trong năm 2018. Tức lợi nhuận đã tăng gấp 4,3 lần chỉ trong 2 năm, cũng là nguyên nhân phù hợp cho cách định giá YEG khi lên sàn cũng như diễn biến “thăng hoa” giá cổ phiếu sau này.

Điều lạ nữa là, vào lúc YEG lao dốc xuống đáy 198.000 đồng/CP thì ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch HĐQT đã mua 3,91 triệu cổ phần YEG phát hành thêm vào ngày 21/8/2019, với mức giá 300.000 đồng/CP, tức cao hơn giá thị trường 51,5%. Nói cách khác khoản đầu tư này của ông Tống bị lỗ ngay… 399 tỷ đồng.

Và sau động thái này, cổ phiếu YEG đã tăng trần 3 phiên liên tiếp, xác lập xu hướng quay lại đỉnh cũ trong sự ngỡ ngày của giới đầu tư. Cho đến nay, khoản đầu tư của ông Tống vẫn tạm lỗ 29,3%... Song ông Tống hiện là cổ đông cá nhân sở hữu lớn nhất tại Yeah1 với tỷ lệ 27,12% cổ phần YEG, giá trị tài sản chứng khoán lên tới gần 1.800 tỷ đồng.

Nhờ Chủ tịch Yeah1 chấp nhận mua giá “chát” mà công ty đã tăng vốn thành công, thu về khoản thặng dư cổ phần hơn 1.100 tỷ đồng. Nguồn thặng dư này sẽ được dùng để tiếp tục nâng vốn lên 938,4 tỷ đồng thông qua chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 1:2. Cho đến nay, cơ sở nào khiến ông Tống chịu chi mua cổ phiếu YEG với giá đắt và nguồn tiền đến từ đâu, giúp công ty tăng vốn lớn nhanh như “thánh gióng” vẫn còn chưa sáng tỏ?

Khi dòng tiền lớn nghìn tỷ ồ ạt đổ vào mua cổ phần tăng vốn cho Yeah1, thì trước và sau đó là tiền lại “chảy” vào hoạt động M&A công ty ở nước ngoài, dẫn tới nghi vấn liệu Yeah1 có tăng vốn thực chất?

Nhất là thời gian qua Yeah1 liên tục chi hàng trăm tỷ đồng mua cổ phần các công ty có trụ sở ở nước ngoài, như ngày 9/1/2019 kí hợp đồng mua 100% cổ phần ScaleLab LLC (trụ sở tại Mỹ) với giá trị 20 triệu USD. Trong đó, tiền mua cổ phần do Yeah1 vay từ ngân hàng Shinhanbank Singapore khoảng 10 triệu USD. 

Được thành lập tháng 9-2006 với khởi đầu là trang thông tin www.yeah1.com, tính đến nay hoạt động của Yeah1 bao gồm từ kênh truyền thống như truyền hình (Yeah1TV, Yeah1Family, Imovie, Uni…), sản xuất phim điện ảnh (Yeah1 CMG) cho đến các kênh kỹ thuật số hiện đại (Digital) trên các phương tiện điện thoại thông minh, các trang mạng, các ứng dụng… quảng cáo khép kín trên nhiều nền tảng kỹ thuật số như website, Youtube, Facebook, công cụ quảng cáo Google…

Sau 10 lần điều chỉnh, vốn điều lệ Yeah1 đã tăng từ 500 triệu đồng lên trên 312,7 tỷ đồng.

Yeah1 có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 65,41% vốn cổ phần là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, ông Hồ Ngọc Tấn, quỹ Ancla Asset và DFJ Vinacapital.

>> Mắc nhiều sai phạm, Yeah1 bị phạt và truy thu thuế gần 270 triệu đồng

Có thể bạn quan tâm