SCIC muốn tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng

Báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, SCIC đã kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh tăng vốn điều lệ cho SCIC từ 19.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp này còn muốn giữ lại hơn 9.343 tỷ đồng phần chênh vốn chủ sở hữu…
vốn điều lệ
Tổng công ty SCIC muốn tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng

Cụ thể, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm, đề án cơ cấu lại SCIC để có căn cứ pháp lý đẩy mạnh các hoạt động đầu tư kinh doanh vốn. Tiếp tục nâng vốn điều lệ cho SCIC về lâu dài, có cơ chế bổ sung tăng vốn điều lệ cho SCIC thông qua lợi nhuận thực hiện hằng năm.

Mặt khác, để thực hiện các kiến nghị trên, trước mắt SCIC mong muốn được giữ lại phần vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ là 9.343 tỷ đồng, chưa thực hiện nộp chênh lệch vào ngân sách nhà nước; giữ lại toàn bộ giá trị bán vốn tại doanh nghiệp để bổ sung vốn, tăng cường năng lực đầu tư.

Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của SCIC là 59.343 tỷ đồng, trong đó vốn đang đầu tư tại các doanh nghiệp và tài sản cố định khoảng 38.500 tỷ đồng. Theo quy định, SCIC phải nộp chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ vào ngân sách là 9.343 tỷ đồng. Thực tế này khiến cho nguồn vốn khả dụng SCIC có thể tiếp tục đầu tư chỉ còn 11.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn điều lệ chưa được phê duyệt chính thức. Quy mô vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà SCIC tiếp nhận về còn hạn chế, chỉ bằng 1-2% tổng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo giá trị sổ sách.

Ngoài ra, danh mục doanh nghiệp của SCIC ngày càng thu hẹp khi chỉ còn 115 doanh nghiệp với kế hoạch chuyển giao lại chưa rõ ràng. Vì vậy, thực tế này làm hạn chế quy mô hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của SCIC ước đạt là 2.423 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 2.260 tỷ đồng. Tổng công ty đã bán vốn thành công tại 6 doanh nghiệp, đưa về doanh thu 72 tỷ đồng.

Đến nay, SCIC đã tiếp nhận 1.079 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước hơn 30.798 tỷ đồng. Thực hiện việc bán vốn tại 1.046 doanh nghiệp, thu về 51.594 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn. Bên cạnh đó, SCIC cũng đã thực hiện giải ngân đầu tư với tổng số tiền là 37.651 tỷ đồng, trong đó giải ngân 6.895 tỷ đồng vào Vietnam Airlines. Tổng công ty đã nộp vào ngân sách với số tiền 84.887 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 7/6 SCIC đã thông báo chào bán cạnh tranh cả lô cổ phần của SCIC tại CTCP Xây dựng và Dịch vụ Công cộng Bình Dương (BPS).

Được biết, SCIC chào bán 3 triệu cổ phần của BPS (30% vốn điều lệ) với giá  142.386.000.000 đồng/lô cổ phần, tương ứng với mức giá 47.462 đồng/cổ phần. Hình thức chào bán là chào bán cạnh tranh cả lô, theo đó mỗi nhà đầu tư phải đăng ký mua toàn bộ số cổ phần chào bán và chỉ bán cho nhà đầu tư trong nước.

Có thể bạn quan tâm