Cụ thể, theo SCIC, gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin về việc Quỹ Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI) đầu tư vào Công ty Cổ phần Kinh doanhF88.
Về vấn đề này, đại diện SCIC cho biết, nguồn vốn đầu tư vào F88 được thực hiện bởi Ủy ban Đầu tư Vương quốc Ô-man (Oman Investment Authority) và SCIC không đầu tư vào F88.
Về vai trò của VOI đối với khoản đầu tư, VOI không trực tiếp thực hiện đầu tư vào F88. Vai trò của VOI là tư vấn đầu tư và quản lý tài sản theo hợp đồng dịch vụ giữa VOI và Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman (Oman Investment Authority).
Trước đó ngày 2/3, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 thông báo đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD, tương đương gần 1.200 tỷ đồng trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư dẫn đầu vòng này là Quỹ Đầu tư Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).
Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty F88, cho biết toàn bộ số vốn 50 triệu USD sẽ được đầu tư vào phát triển công nghệ, dữ liệu và khoa học dữ liệu, xây dựng thương hiệu và gia tăng khách hàng mới cũng như phát triển đội ngũ, thu hút nhân tài.
Trong số nhà đầu tư mới của F88, cái tên Quỹ Đầu tư Việt Nam - Oman thu hút sự chú ý. Đây là đơn vị liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia Vương quốc Oman (SGRF) tại Việt Nam với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh Vốn nhà nước Việt Nam (SCIC). Quỹ VOI được thành lập từ năm 2008, hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ hai nước. Điều này đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây cũng chính là lý do, SCIC đã lên tiếng về khoản đầu tư này.
Ở một diễn biến khác, ngày 6/3, công an TP.HCM phối hợp với Công an quận Gò Vấp khám xét trụ sở Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 nằm trong tòa nhà trên đường Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM. Hoạt động điều tra xuất phát từ các phản ánh trước đó về việc công ty F88 thực hiện hoạt động cho vay nhưng có dấu hiệu "Cưỡng đoạt tài sản" theo kiểu "khủng bố".
F88 là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân được thành lập vào năm 2013. F88 cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng và các doanh nghiệp siêu nhỏ chưa đáp ứng được các yêu cầu của các tổ chức tài chính ngân hàng.
Nguồn vốn hoạt động cầm cố, cho vay của F88 chủ yếu đến từ các quỹ ngoại cũng như tích cực huy động vốn từ các đợt phát hành trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau.
Theo tìm hiểu, giai đoạn 2021 – 2022, F88 đã có 20 đợt huy động vốn từ phát hành trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau, giá trị tổng cộng là gần 2.366 tỷ đồng. Các trái phiếu mà F88 phát hành chủ yếu là trái phiếu bằng đồng Việt Nam với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, trả lãi coupon, lãi suất cố định. Lãi sẽ được thanh toán định kỳ vào cuối kỳ. Các trái phiếu này có thể được mua lại trước hạn.
Hiện F88 có tất cả 7 lô trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2023 với tổng giá trị hơn 970 tỷ đồng, bắt đầu từ tháng 4 đến giữa tháng 9 tới. Các lô trái phiếu này được F88 phát hành với kỳ hạn 12-18 tháng, lãi suất dao động 11 – 12%. Trong đó, lô trái phiếu đáo hạn gần nhất vào ngày 1/4 tới trị giá 100 tỷ đồng, được F88 phát hành với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 12%/năm.
Tiếp theo là lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 11% sẽ đáo hạn vào ngày 4/5 tới. Một lô khác trị giá 200 tỷ đồng kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 11,5% đáo hạn ngày 15/5.
Ngoài ra, 4 lô trái phiếu còn lại đáo hạn rải rác từ tháng 6 đến giữa tháng 9/2023. Tổng cộng, F88 có tất cả 7 lô trái phiếu với tổng trị giá 970,9 tỷ đồng sẽ đáo hạn tính đến tháng 9 tới.