Chần chừ lên doanh nghiệp, vì sao?
TPHCM đặt mục tiêu thành lập mới 60.000 doanh nghiệp (DN) trong năm 2017 và sẽ có 500.000 doanh nghiệp mới đến năm 2020. Theo đó, sẽ có một phần không nhỏ là lực lượng hộ kinh doanh cá thể đang được khuyến khích “nâng cấp” lên DN.
Sự “hữu ý” của các chính sách đồng loạt gần đây, nhất là chính sách cho vay, một lần nữa dường như đang khẳng định quyết tâm thay đổi cơ bản về chất cho lực lượng DN trong nước. Tuy nhiên, đồng loạt trên các phương tiện truyền thông thời gian qua đã xuất hiện không ít băn khoăn của khu vực kinh doanh cá thể về con đường tiến lên DN.
Bên cạnh những giải thích cho rằng hộ kinh doanh cá thể không thích chuyển đổi lên DN một phần để có mô hình quản trị đơn giản, thậm chí tránh né nghĩa vụ thuế, một phần cũng vì “nhược tiểu” đôi khi lại chính là lợi thế khi buôn bán với các đối tác lớn.
Từ chính kinh nghiệm của mình, ông Lê Hải Hà, Giám đốc Công ty Vận tải S.O.P.A.S thừa nhận vẫn thích làm ăn với các hộ kinh doanh cá thể hơn các công ty, “họ sẵn sàng lắng nghe mình nhiều hơn, mình có thể điều chỉnh họ, còn các công ty thì làm gì cũng phải theo quy định bài bản sẵn có nên rất khó thương lượng”. Và một lý do khác, cũng không kém phần tế nhị khiến DN lớn vẫn ưu ái hộ kinh doanh cá thể, đó là mức giá thuê ngoài trả cho hộ kinh doanh cá thể thường rẻ hơn đáng kể so với mức giá trả cho các công ty quy củ.
Các hộ kinh doanh cá thể có biết điều này không, chắc là có biết! Họ có muốn “lớn” lên không, hay cứ muốn “nhỏ” mãi để tận dụng các ưu thế như trên?
Chần chừ lên doanh nghiệp, “lợi bất cập hại”
Theo thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng (hiệu lực thi hành từ 15/3/2017), những người có thể vay vốn ngân hàng chỉ gồm hai đối tượng là pháp nhân và thể nhân, tức nôm na là chỉ còn doanh nghiệp và cá nhân. Những thành phần kinh tế khác, trong đó có hộ kinh doanh sẽ không còn được vay vốn ngân hàng. Đó là chưa kể hai chương trình lớn về cho vay lãi suất ưu đãi đối với DN đang thực hiện tại TPHCM gồm: Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp và Cho vay kích cầu đầu tư hiện đều không “phủ sóng” đến các hộ kinh doanh.
Ngoài ra, thực tế vay tín chấp cho thấy ngân hàng vẫn tin tưởng DN hơn là cá nhân! Có lẽ đó chính là lý do khiến các khoản vay có tính chất tín chấp với cá nhân thường phải trả lãi suất rất cao.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty In Chất lượng cao Việt Nam - người đã thành lập đến 6 doanh nghiệp trong khoảng 10 năm qua - cứ giữ nguyên mô hình hộ kinh doanh cá thể để đơn giản hóa khâu quản trị, thậm chí dễ bề né tránh nghĩa vụ thuế cũng không phải là lựa chọn tốt bởi chỉ khi minh bạch thì mới được luật pháp bảo vệ.
Duy trì mô hình kinh doanh cá thể chỉ dựa trên lợi thế giá rẻ vì cắt giảm được chi phí bộ máy càng không phải là xu hướng kinh doanh hiện đại bởi “đó chỉ là cách nhìn đơn thuần về lợi ích kinh tế ngắn hạn. Nếu muốn phát triển bền vững phải có thương hiệu, muốn làm thương hiệu phải có công ty bài bản”, ông Tuấn khẳng định.
Chần chừ lên doanh nghiệp, sẽ có “cú hích”
Tìm đến điển hình về phương thức hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể “nâng cấp” lên DN tại quận 7, TPHCM, có thể thấy chính quyền địa phương tại đây đã có hẳn một bản kế hoạch cụ thể. Theo đó, UBND Quận sẽ miễn phí 100% khi tư vấn thủ tục thành lập DN cho hộ kinh doanh, thậm chí sẽ có cán bộ chuyên trách xuống tận nhà dân khi cần để hỗ trợ pháp lý.
Chia sẻ với e ngại có thật của rất nhiều hộ kinh doanh về sự phức tạp khi điều hành một doanh nghiệp, ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND Quận 7 cho rằng “Khi nâng cấp lên DN thì nguồn việc sẽ tìm tới nhiều hơn; DN còn được hỗ trợ vốn, thậm chí tạo điều kiện về mặt bằng để làm nơi sản xuất kinh doanh”.
Cụ thể, với rất nhiều hộ kinh doanh cá thể làm dịch vụ cho thuê nhà trọ, vị Chủ tịch quận cho biết đang vận động nhóm hộ dân này cùng nhau thành lập DN. Đó có thể là mô hình công ty cổ phần do nhiều hộ kinh doanh trong cùng khu phố hoặc cùng phường cùng bỏ vốn. Khi có công ty rồi thì quận sẽ hỗ trợ DN xây lại các dãy nhà trọ cho bài bản hơn.
“Nếu anh đưa hộ kinh doanh lên DN thì đầu tiên tôi sẽ giúp anh vay vốn, sẽ hỗ trợ anh xây lại nhà trọ nếu đó là nhà trọ cấp 4. Có thể ưu tiên cấp phép xây dựng (giấy phép tạm) cho anh trước. Xưa anh xin phép có khi mất 30 ngày, nay có thể 3 ngày tôi sẽ cấp phép cho anh”, ông Lê Hòa Bình khẳng định chắc nịch.
Ngoài ra, sẽ còn một “cú hích” khác sắp được công bố trong nay mai. Theo đó, chính quyền Quận 7 sẽ tổ chức kết nối dịch vụ kinh doanh nhà trọ với nhiều khu vực kinh doanh ẩm thực đã được quy hoạch. “Các hộ đã nâng cấp lên DN sẽ được ưu tiên bố trí tham gia vào các điểm kinh doanh này trước!”, vị đại diện chính quyền quận 7 cam đoan thêm.
Được biết, về lâu dài, chính quyền địa phương tại đây sẽ tập trung thúc đẩy các hộ kinh doanh ở lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và công nghệ kỹ thuật cao lên “tầm” DN, để nhóm này có thể trở thành mắt xích tích cực hơn, kết nối trực tiếp với khu chế xuất Tân Thuận trên địa bàn.
Theo Phương Hiền/VGP
>> Vì sao hộ kinh doanh ‘sợ’ lên DN?