Sẽ có thêm hàng tỉ USD vốn FDI 'chảy' vào Việt Nam

Giám đốc một quỹ đầu tư Mỹ tại VN cho rằng, thông tin từ AmCham có hàng tỉ USD vốn FDI vào VN...
Sẽ có thêm hàng tỉ USD vốn FDI 'chảy' vào Việt Nam

Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có sự thay đổi sau khi Tổng thống Mỹ gia hạn thêm 90 ngày đàm phán với Trung Quốc; tuy nhiên một số diễn biến trên thị trường cho thấy đang có sự dịch chuyển đầu tư vào VN trong tương lai gần.

Di dời nhà máy iPhone sang VN?

Phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp VN thường niên 2018 mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại VN (AmCham) Michael Kelly phân tích: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ. Khảo sát gần đây của AmCham với các doanh nghiệp (DN) Mỹ ở Trung Quốc cho thấy, 1/3 đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sang nước khác.

Một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ các quốc gia cũng nêu, có đến 50% DN nước ngoài đang cân nhắc việc di dời khỏi Trung Quốc, và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ. Nhận định Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng ông Michael Kelly cho rằng, việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và VN đang có được lợi ích từ sự dịch chuyển này.

Đang gây chú ý của giới đầu tư hiện nay là Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) có hướng chuyển dịch nhà máy lắp ráp điện thoại iPhone tại Trung Quốc sang VN, Hãng Reuters đưa tin ngày 4.12. Địa phương mà Reuters nhắc đến là thủ đô Hà Nội, tin này khá trùng khớp với thông tin ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, nêu tại cuộc họp giữa cơ quan này với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với UBND TP.Hà Nội. Ông Lộc cũng tiết lộ, chính quyền TP.Hà Nội đang vận động đưa dây chuyền sản xuất lắp ráp iPhone về đây.

Đại diện một công ty “săn đầu người” của Mỹ có văn phòng tại TP.HCM cũng tiết lộ, công ty đang có khách hàng là tập đoàn sản xuất điện tử đa quốc gia và các giải pháp cung ứng thiết kế điện tử, muốn tìm lãnh đạo một số bộ phận như: quản lý kế hoạch, quản lý sản xuất, kỹ sư kiểm thử cao cấp...; vị trí làm việc là TP.HCM và tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài Foxconn, một số hãng sản xuất nước ngoài cũng đang “ngắm nghía” VN sau khi rời Trung Quốc. Trung tuần tháng 11 vừa qua, tờ Nikkei (Nhật) đưa tin, công ty chuyên lắp ráp tai nghe AirPods của Apple (Mỹ) tại Trung Quốc là GoerTek đã thông báo cho các nhà cung cấp linh kiện của họ về việc có thể gửi trực tiếp linh kiện đến thị trường VN hay không. Điều này được cho là một trong những cơ sở ban đầu để dự đoán GoerTek có thể sẽ chuyển bộ phận sản xuất tai nghe không dây sang VN.

Ngoài ra, các hãng có nhà máy lớn đặt tại Trung Quốc như: Logitech, Avery Dennison, Philips, Pentair, Skechers USA, Lennox International... trong một khảo sát của AmCham cũng cho rằng, căng thẳng thương mại đang khiến tiến trình dịch chuyển của các công ty này khỏi Trung Quốc tăng nhanh hơn để sớm tìm kiếm nguồn cung mới.

"Nếu có sự dịch chuyển nhà máy công nghệ cao là quá tốt cho VN. Chỉ lo các nhà máy chỉ tận dụng lao động giá rẻ hay gây ô nhiễm môi trường như chúng ta đã từng vướng phải

- Giám đốc một quỹ đầu tư Mỹ tại VN -

Cảnh báo dòng vốn fdi “giả danh”

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) nhận định, số lượng các DN nước ngoài rời khỏi Trung Quốc và có thể sang VN sẽ có, bởi họ phải chọn nơi đặt cơ sở sản xuất nhằm né thuế nhập khẩu mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc. “Đây là thông tin tích cực cho phía VN trong việc thu hút thêm nguồn vốn đầu tư ngoại, gia tăng lượng hàng hóa để xuất khẩu hay tạo công ăn việc làm cho người lao động”, ông Hồ nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn có tính hai mặt, tích cực và tiêu cực. Trong thời gian qua do VN chưa làm tốt những công việc xoay quanh thu hút vốn FDI nên đã xảy ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn như dòng vốn giả danh, núp bóng để né thuế khiến lượng hàng hóa từ VN xuất khẩu vào Mỹ gia tăng lại tạo ra những va đập trong thương mại của VN với nước này. Hiện nay “bộ lọc” cho dòng vốn FDI vẫn đang còn xem xét nhưng việc đó cần phải được thực hiện đồng bộ, từ T.Ư đến địa phương và ngay cả các DN.

Đồng quan điểm, giám đốc một quỹ đầu tư Mỹ tại VN cho rằng, thông tin từ AmCham có hàng tỉ USD vốn FDI vào VN là có cơ sở. Trong vòng gần 3 tháng qua, vị này đã tiếp xúc với 3 nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Hồng Kông. Hai trong số đó là các nhà gia công sản xuất phần mềm kiểm thử và các trò chơi điện tử lớn của Mỹ tại Hồng Kông và Thượng Hải.

“Nếu có sự dịch chuyển nhà máy công nghệ cao là quá tốt cho VN. Chỉ lo các nhà máy chỉ tận dụng lao động giá rẻ hay gây ô nhiễm môi trường như chúng ta đã từng vướng phải. Thế nên chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và những người làm công việc mời gọi đầu tư trong thời điểm này đòi hỏi phải tinh nhuệ thực sự. Giỏi về chuyên môn và cả am tường và đoán được chuyển động dòng đầu tư quốc tế”, chuyên gia này nói.

Theo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...