Phát biểu tại buổi họp triển khai Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt với sự tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA), hàng loạt nhóm sản phẩm ngành hàng xuất khẩu sang các thị trường quan trọng đều đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất mạnh, duy trì ở mức 2 con số qua nhiều năm như dệt may, điện tử, thủy sản,…
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối diện với “nguy cơ kép” rất lớn về lẩn tránh phòng vệ thương mại để lợi dụng những ưu đãi về xuất xứ từ các FTA.
Trước những yêu cầu này, Bộ Công Thương đang gấp rút xây dựng kế hoạch và thực hiện triển khai Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, theo Quyết định số 824/QĐ-TTg. Dự kiến, kế hoạch hành động của Bộ Công Thương sẽ được Cục Phòng vệ thương mại trình lên Bộ trưởng trước ngày 15/7 tới đây.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại, mặc dù các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã nỗ lực trong hoạt động cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát và thẩm tra song nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ có xu hướng gia tăng.
Đưa ra cảnh báo, ông Dũng cho rằng việc dịch chuyển đầu tư thời gian qua là một tín hiệu tốt, song cần phải xử lý nghiêm các hành vi không thực hiện sản xuất để hưởng lợi thuế quan, lẩn tránh thuế. Thậm chí là hành vi lợi dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để thực hiện hành vi gian lận thương mại.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết thêm, thời gian qua lực lượng này đã phát hiện nhiều hàng lưu thông trên thị trường nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có chứa độc tố vượt cho phép đặc biệt là tình trạng hàng hóa dán nhãn “Made in Vietnam” để trục lợi...
Từ những vấn đề nổi cộm này, theo ông Trần Hữu Linh, cần ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản, thực phẩm.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị các Bộ ngành cần hoàn thiện chính sách, pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong tiến trình hội nhập, những vấn đề gian lận thương mại và gian lận xuất xứ, lẩn tránh phòng vệ thương mại sẽ liên quan trực tiếp đến việc thực thi các FTA và phát triển thương mại bền vững.
Do vậy thời gian tới đây, để hạn chế những mặt trái của việc thu hút đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần chủ động thực thi Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ."
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị sớm ban hành kế hoạch hành động của Bộ Công Thương nhằm thực hiện đề án trên, trong đó chú trọng đến việc phối hợp với các bộ, ngành khác như Bộ Tài chính, Công an, Khoa học và Công nghệ, VCCI, Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế… trong việc đấu tranh với hành vi gian lận thương mại…
>> Bộ Công Thương đang soạn dự thảo về quy định ghi nhãn "Made in Vietnam"