Trước đó, tối ngày 22/12/2017, Bộ Công An phối hợp với Công an Đà Nẵng đã tiến hành công bố Quyết định khởi tố bị can số 47/ANĐT-P5 ngày 20/12 đối với Phan Văn Anh Vũ vì đã có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”, phạm vào Điều 263 BLHS.
Ngay sau khi công bố lệnh bắt, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cũng công bố Quyết định truy nã số 222/ANĐT do Thiếu tướng Lý Anh Dũng, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ký ngày 21/12 về việc truy nã Phan Văn Anh Vũ sau khi xác định bị can không có mặt tại nơi cư trú ở số 82 Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) và không biết bị can đang ở đâu.
Ông Phan Văn Anh Vũ được bổ nhiệm vào chức danh Thành viên HĐQT Seaprodex từ tháng 7/2016 và nhận thù lao đến cuối năm là 81 triệu đồng. Theo kế hoạch, thù lao năm nay của ông Vũ giảm xuống còn 74 triệu đồng.
Trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán, các nhóm cổ đông lớn của Seaprodex liên tiếp gặp mâu thuẫn về định hướng đầu tư phát triển ngoài ngành. Theo báo cáo thường niên năm ngoái, Seaprodex được UBND TP HCM cho chuyển nhượng mặt bằng khu đất 2-4-6 Đồng Khởi (quận 1). Công ty đã nộp ngân sách hơn 560 tỷ đồng tiền sử dụng nhà và đất, trong đó có 280 tỷ đồng vay từ Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 – một doanh nghiệp khác do ông Vũ giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Cách đây một tuần, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Chấn Phong – tiền thân là Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 do ông Vũ làm đại diện pháp luật, đã thoái toàn bộ 25 triệu cổ phiếu Seaprodex, tương đương 20,1% vốn điều lệ nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Trong phiên giao dịch 19/12, SEA xuất hiện lệnh thỏa thuận 25,12 triệu cổ phiếu với tổng giá trị gần 307 tỷ đồng. Lượng giao dịch thỏa thuận đúng bằng lượng cổ phiếu Chấn Phong đăng ký bán và nhiều khả năng đơn vị này đã thoái vốn khỏi SEA trước thời điểm Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố.
>> Phát lệnh truy nã đại gia Vũ “nhôm”