SHB lãi trước thuế 805 tỷ đồng trong quý 4, nợ xấu giảm về 1,71%

Trong quý 4/2020, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 805 tỷ đồng, nâng luỹ kế lợi nhuận cả năm lên 3.412 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2019.
SHB lãi trước thuế 805 tỷ đồng trong quý 4, nợ xấu giảm về 1,71%

SHB vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 với nhiều chỉ tiêu tài chính quan trọng tăng trưởng ấn tượng so với năm 2019 và vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã đề ra.

Mảng tín dụng mang về cho ngân hàng khoản lãi 9.965 tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2019. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng 23,1%, đạt 192 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư chứng khoán mang về khoản lãi thuần 1.306 tỷ đồng, tăng đột biến gấp 2,8 lần so với năm trước. Giá trị chứng khoán đầu tư đến cuối năm 2020 tại SHB lên tới 28.629 tỷ đồng, tăng tới 33% so với đầu năm, trong đó chủ yếu là trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh xuống còn 514 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động trong năm của ngân hàng đạt 12.234 tỷ đồng, tăng trưởng 30,3% so với năm trước.

Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của SHB đạt 412,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với cuối năm 2019. Vốn chủ sở hữu đạt 24.393 tỷ đồng, vốn điều lệ nâng lên mức 17.558 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2020, lợi nhuận trước thuế của SHB năm 2020 đạt 3.412 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch cổ đông đề ra, tăng 12,8% so với năm trước. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15,9%. NIM đạt 2,8%, tăng 0,8% so với năm 2019.

Năm qua, SHB ghi nhận sự tăng trưởng ở hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu riêng cho từng phân khúc khách hàng của SHB nhằm mang đến cho khách hàng sự toàn diện cả về lợi ích và giá trị vượt trội.

Trong năm 2020, bên cạnh việc đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid, SHB vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng bền vững, tăng cường công tác quản trị rủi ro, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu … Đến tháng 10/2020, SHB đã hoàn thành trước hạn cơ bản các tồn đọng trong Đề án sáp nhập Habubank vào SHB giai đoạn 2016-2020.

Trong năm 2020, SHB đã trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank. Với các giải pháp xử lý nợ quyết liệt, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của SHB giảm xuống mức 1,6%, mức thấp nhất kể từ khi nhận sáp nhập Habubank tới nay, tỷ lệ nợ xấu và nợ bán VAMC giảm xuống dưới 3%, hoàn thành mục tiêu NHNN giao.

Việc tăng cường chi phí dự phòng của SHB cũng giúp cho tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại 31/12/2020 của SHB ở mức 70%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao càng đảm bảo giúp SHB nâng cao tính an toàn cho chất lượng tài sản, chống chịu tốt hơn trong các giả định nợ xấu trên thị trường tăng do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, lợi nhuận trong tương lai sẽ ổn định hơn bởi áp lực trích lập dự phòng ít hơn.

SHB sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC, và tất toán nợ VAMC vào cuối năm 2022. 

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...