'Siêu ủy ban' được vận hành như thế nào?

Ngay sau khi ban hành quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào đầu tháng 2/2018, dự thảo Nghị định Quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn n
'Siêu ủy ban' được vận hành như thế nào?

Những nét phác thảo đầu tiên về quy mô, cơ chế hoạt động, giám sát “siêu ủy ban” đã cho thấy tầm vóc của một “định chế bao trùm”, nơi gửi gắm nhiều kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của khu vực DNNN.

"Siêu ủy ban" nắm 21 DNNN lớn

Theo dự thảo Nghị định, “siêu ủy ban” là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN có vốn nhà nước theo phân công của Chính phủ và theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Về quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, bên cạnh tổ chức thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các DN, Ủy ban này có quyền hạn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN, cơ chế hoạt động của DNNN, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN. Về chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, “siêu ủy ban” xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm của Ủy ban và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt. Đồng thời, được quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

"Về quy mô, “siêu ủy ban” sẽ nắm giữ 21 tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước bao gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và 20 công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài. Ước tính, giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại 21 tập đoàn, tổng công ty này tương đương 50% tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN, khoảng hơn 5 triệu tỷ đồng.

Theo Bộ KH&ĐT, việc thành lập Ủy ban này là cần thiết, có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đổi mới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay, trong đó, việc phân chia chức năng chủ sở hữu phân tán cho nhiều cơ quan dẫn tới hậu quả là không rõ trách nhiệm giải trình, khó xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính đối với những vụ việc sai phạm, thua lỗ, thất thoát, mất vốn nhà nước như đã diễn ra trong thời gian qua. “Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là để kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước tập trung năng lực vào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ngày càng phức tạp và nặng nề trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Về quản lý tài chính, tài sản của DN, theo Ban soạn thảo, vì Ủy ban là một tổ chức đặc biệt của Chính phủ, vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa là một cơ quan đại diện chủ sở hữu có nhiệm vụ quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, do đó Ban soạn thảo kiến nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tài chính của Ủy ban theo 3 nguyên tắc: Ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, bao gồm cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên; Nguồn chi ngân sách nhà nước được cân đối trong khoản thu ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa, sắp xếp, thoái vốn nhà nước, cổ tức, lợi nhuận sau thuế của các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; Bên cạnh chế độ tiền lương theo quy định, cơ quan chuyên trách có phần thu nhập bổ sung gắn với hiệu quả quản lý vốn nhà nước và năng suất lao động của các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Quản lý 5 triệu tỷ đồng - thách thức không quá lớn

Mô hình cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước tại DN tuy không còn mới mẻ trên thế giới, song tại Việt Nam, đây lần đầu tiên một ủy ban quản lý vốn nhà nước có quy mô lớn được thành lập. Chính vì thế, dù mong muốn ủy ban này được thành lập, song không phải không có những lo ngại bởi đầu mối DN cũng như lượng vốn mà cơ quan này quản lý là không nhỏ, chưa kể, cơ quan này còn phải lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển trên diện rộng, vào những ngành, lĩnh vực có tính chiến lược, dẫn dắt và lan tỏa cho nền kinh tế với mục tiêu thúc đẩy dòng vốn kinh doanh có hiệu quả, từ đó phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến lo ngại này, được biết, theo dự thảo nghị định, cơ cấu bộ máy của “siêu ủy ban” sẽ gồm các vụ quản lý chuyên ngành theo nhóm ngành kinh doanh chính của DN (gồm Vụ Quản lý vốn tại DN nông nghiệp; Vụ Quản lý vốn tại DN công nghiệp chế tạo; Vụ Quản lý vốn tại DN năng lượng; Vụ Quản lý vốn tại DN công nghệ thông tin, viễn thông, truyền thông; Vụ Quản lý vốn tại DN xây dựng và hạ tầng) và các Vụ tham mưu theo chức năng (Vụ Chiến lược và phát triển; Vụ Quản trị tài chính và rủi ro; Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ; Vụ Tổ chức, nhân sự và đào tạo).

Về thách thức của ủy ban khi phải quản lý số vốn khủng của 21 DNNN lớn, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, đây rõ ràng là thách thức nếu chưa làm một cách chuyên nghiệp, tập trung, thống nhất về quyền của chủ sở hữu. Song ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, đây không phải là thách thức quá lớn bởi xét hoàn cảnh ở Việt Nam, Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ nhưng bản chất hoạt động như một nhà đầu tư. Mặc dù quản lý mức tài sản 5,4 triệu tỷ đồng nhưng so với các tập đoàn lớn ở Việt Nam hay trong khu vực và trên thế giới thì quy mô không phải quá lớn. Đối với thách thức khi nguồn vốn trải dài trên nhiều lĩnh vực, ông Phan Đức Hiếu cho rằng Ủy ban phải có tầm nhìn bao quát, hiệu quả của cả khu vực DNNN ở trung và dài hạn.

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, thách thức lớn nhất với ủy ban này là vượt qua được, khắc phục được về cơ bản những hạn chế, bất cập lâu nay về quản lý vốn nhà nước tại DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN, đó là sử dụng chưa có hiệu quả, lãng phí thất thoát lớn vốn và tài sản, tham nhũng nặng nề… Giờ đây với khối lượng vốn và tài sản tập trung về cho “siêu ủy ban” quản lý sẽ rất lớn, do vậy, khắc phục được tình hình đó là yêu cầu lớn nhất, cũng là thách thức lớn nhất.

“Ủy ban phải tranh thủ được sự hợp tác đồng thuận của các bộ, ngành sẽ phải chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn, làm việc tốt với các DNNN lớn phải thực hiện việc quản lý này. Điều đó sẽ không đơn giản do vướng mắc có thể có trong tổ chức thực hiện và sự níu kéo về quyền lợi… Quá trình thảo luận để đi tới sự ra đời của ủy ban đã cho thấy điều đó”, chuyên gia Lưu Bích Hồ nói.

Cũng theo chuyên gia này, năng lực và phẩm chất của những người lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của ủy ban phải đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ được giao. “Quản lý chặt chẽ vốn đã khó, kinh doanh vốn cho có hiệu quả còn khó hơn. Đây là một tổ chức hoàn toàn mới ở nước ta, chưa có kinh nghiệm thực tế, nên cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm cho được và làm tốt. Nếu sau một thời gian thấy không làm được có thể phải điều chỉnh về cả các quy định và nhân sự của ủy ban”, chuyên gia Lưu Bích Hồ khuyến nghị.

Danh sách 21 tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ được chuyển giao về cho Siêu ủy ban:

1.Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); 2.Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; 3.Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; 4.Tập đoàn Điện lực Việt Nam; 5.Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 6.Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam; 7.Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam; 8.Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; 9.Tổng công ty Viễn thông VTC; 10.Tổng công ty Viễn thông MobiFone; 11.Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; 12.Tổng công ty Hàng không Việt Nam; 13.Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; 14.Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; 15.Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; 16.Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long; 17.Tổng công ty Cảng Hàng không; 18.Tổng công ty Cà phê Việt Nam; 19.Tổng công ty Lương thực miền Nam; 20.Tổng công ty Lương thực miền Bắc; 21.Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Theo Báo Hải Quan

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…