SK Telecom chuẩn bị phát hành chatbot AI phiên bản siêu ứng dụng

SK Telecom đang lên kế hoạch ra mắt “A.”, chatbot AI được cho là phiên bản siêu ứng dụng của ChatGPT trong năm nay…

SK Telecom (SKT), một trong những nhà mạng lớn nhất của Hàn Quốc, đang lên kế hoạch ra mắt chatbot AI của riêng mình. Sản phẩm này của được cho là hoàn toàn khác chatbot AI ChatGPT của OpenAI.

Eric Davis, phó chủ tịch của SKT và cũng là người phụ trách bộ phận phát triển A. cho biết công ty sẽ ra mắt phiên bản đầy đủ của chatbot AI này tại Hàn Quốc trong năm nay, đồng thời nói thêm rằng sản phẩm này rất khác so với ChatGPT.

Ông Davis cho biết tại Đại hội Thế giới Di động ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha rằng: “A. giống như việc trò chuyện với một người sẽ giải quyết các vấn đề mà bạn gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.”

Davis nói rằng SKT đã làm việc để phát triển A. trong một năm rưỡi. Chatbot AI này được xây dựng nội bộ tại công ty viễn thông trên mô hình ngôn ngữ lớn, tức AI được đào tạo trên lượng dữ liệu khổng lồ để có thể trò chuyện bằng ngôn ngữ tự nhiên. Đây là công nghệ tương tự như công nghệ đằng sau ChatGPT của Open AI.

SKT đang lên kế hoạch ra mắt đầy đủ dịch vụ chatbot AI A. này vào năm 2023
SKT đang lên kế hoạch ra mắt đầy đủ dịch vụ chatbot AI A. này vào năm 2023

Nhưng ông Davis muốn định vị A. như một sản phẩm hoàn toàn khác biệt so với ChatGPT. Đó là bởi vì SKT cũng sở hữu nhiều dịch vụ khác nhau, từ phát nhạc trực tuyến đến thương mại điện tử và ứng dụng thanh toán. Những dịch vụ này đang được tích hợp vào chatbot AI của họ.

“Bức tranh cuối cùng của sản phẩm này là siêu ứng dụng. Hãy tải ứng dụng của chúng tôi và về cơ bản nó sẽ làm mọi thứ bạn muốn từ chúng tôi và hơn thế nữa,” ông Davis nói thêm.

“Siêu ứng dụng” là một khái niệm được tiên phong bởi những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Tencent với dịch vụ nhắn tin WeChat. Ý tưởng của nó là một người chỉ cần một ứng dụng và dịch vụ của bên thứ ba có thể truy cập được thông qua ứng dụng đó. Tại Trung Quốc, WeChat có thể được sử dụng cho mọi thứ, từ đặt chỗ nghỉ lễ cho đến thanh toán. Các siêu ứng dụng rất phổ biến ở Trung Quốc và một số nơi ở Châu Á, nhưng chưa phát triển ở Châu Âu và Mỹ.

Ông Davis, người trước đây đã làm việc trên trợ lý giọng nói Siri của Apple, nói rằng kế hoạch là tích hợp “rất nhiều dịch vụ của bên thứ ba” vào A., chatbot AI của họ.

“ChatGPT rất tuyệt. Bạn biết đấy, nó trả lời câu hỏi của bạn, hoặc nó cung cấp một bản tóm tắt. Nhưng nó không làm được bất kỳ điều gì chúng tôi đã làm ở A.,” ông cho biết. “Nó không kết nối bạn với các dịch vụ bên ngoài, cũng như không có tính cá nhân hóa. Trong khi đó, chúng tôi muốn nỗ lực để tìm hiểu về người dùng của mình.”

A. hiện chỉ có sẵn bằng tiếng Hàn. Davis nói rằng SKT đang trong giai đoạn đầu tìm hiểu về việc ra mắt dịch vụ ra thị trường quốc tế.

“Chúng tôi đã nói chuyện với những người ở châu Âu, những người dân địa phương am hiểu thị trường và biết cái gì sẽ bán chạy. Vì vậy, chúng tôi đã đàm phán với một vài bên liên quan, nhưng chưa có gì là chính thức,” Davis nói.

SKT đã tìm cách đa dạng hóa ngoài hoạt động kinh doanh viễn thông cốt lõi của mình. Họ có kế hoạch ra mắt dịch vụ taxi bay vào năm 2025 cũng như đầu tư vào công ty con phát triển chip AI của họ là Sapeon.

Có thể bạn quan tâm