Số ca tử vong vì Covid-19 tại Ý vượt qua Trung Quốc, kinh tế thế giới chịu thiệt hại nặng nề

Dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng trở thành một cuộc chiến khốc liệt tại các quốc gia trên khắp thế giới, đặc biệt là châu Âu.
Số ca tử vong vì Covid-19 tại Ý vượt qua Trung Quốc, kinh tế thế giới chịu thiệt hại nặng nề

Covid-19, dịch bệnh được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục bắt đầu bùng phát vào cuối năm ngoái đã nhanh chóng lây lan sang 172 quốc gia, vùng lãnh thổ khác khiến hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh. 

Trong vòng 24 giờ qua, đã có tổng số 20.000 trường hợp nhiễm bệnh mới trên toàn cầu được xác nhận. Trong đó, Đức, Iran, Tây Ban Nha đã tăng thêm 12.000 ca. Một quan chức ở Tehran cho biết, chỉ sau mỗi 10 phút đồng hồ lại có một bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19. 

Tại Ý, những binh sĩ quân đội đã phải vận chuyển xác người qua đêm từ một nghĩa trang “quá tải”, khi nơi đây là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 3.405 người tử vong, nhiều hơn cả Trung Quốc đại lục. Quân đội Đức cũng đang chuẩn bị để sẵn sàng giúp đỡ. 

Với tổng số 242.000 ca nhiễm và 10.000 tử vong, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cả thế giới phải choáng váng và được so sánh với những giai đoạn kinh hoàng nhất trong lịch sử như Thế chiến II, dịch cúm Tây Ban nha năm 1918 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc suy thoái toàn cầu “mang tính kỷ lục” gần như là chắc chắn xảy ra. “Đây là khoảnh khắc cần phải có sự quyết đoán, phối hợp và thực hiện những chính sách đổi mới từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới,” ông Guterres nói với phóng viên thông qua một cuộc họp video. “Chúng ta đang chứng kiến một tình huống chưa từng có và các quy tắc thông thường không còn được áp dụng.” 

Các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới đang đổ hàng tỷ USD viện trợ chưa từng có vào nền kinh tế toàn cầu khi dịch bệnh Covid-19 đang tấn công vào trung tâm châu Âu và Hoa Kỳ, với số ca tử vong tại Ý vượt xa Trung Quốc - nơi bắt nguồn của dịch bệnh. 

Ngành du lịch và các hãng hàng không đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi chính phủ và công dân thế giới cố gắng giảm thiểu tiếp xúc, di chuyển để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Các quốc gia đều đã thực hiện đóng cửa biên giới và khoá chặt khu vực bùng phát dịch bệnh. 

Các nhà hoạch định chính sách tại Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á đã cắt giảm lãi suất, cung cấp gói hỗ trợ tài chính nhằm nỗ lực ổn định nền kinh tế khi người tiêu dùng bị cách ly kiểm dịch, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, giao thông gián đoạn và hệ thống kinh doanh bị tê liệt. 

Nguồn: Reuters

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm