Như vậy lượng vốn ngoại vào Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua, từ 20 tỷ USD năm 2014 lên mức gần 36 tỷ USD trong năm nay. Xét ở góc độ giải ngân, năm nay vốn FDI cũng ghi nhận kỷ lục khi đạt 17,5 tỷ USD cho thấy Việt Nam tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Thực tế, mặc dù còn nhiều thách thức, khó khăn, Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường có tính cạnh tranh cao, với sự ổn định về an sinh xã hội, sự tăng trưởng hấp dẫn và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ. Rõ ràng, việc vốn FDI đăng ký đổ mạnh vào Việt Nam là một tín hiệu tích cực, là cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Vấn đề là tận dụng cơ hội đó đến đâu để tạo ra chuyển hóa về chất của nền kinh tế thì lại nằm ở chúng ta. Cách đây ít ngày, Việt Nam cũng đón một tin vui, đó là kỳ tích về xuất nhập khẩu của Việt Nam khi tính đến giữa tháng 12/2017, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, trong năm 2018 và trung hạn, thách thức với Việt Nam chính là việc sẽ phải xoay chuyển để được hưởng lợi thực tế hơn từ các dòng vốn FDI, vốn được dự báo là nguồn tăng trưởng cho Việt Nam trong 5 năm tới. Hiện tại, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, nhận thức chung về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam còn yếu, chưa đủ điều kiện để tiếp nhận, sử dụng các thành quả của cuộc cách mạng này, cộng với việc phải khắc phục được các tồn tại hiện có, cho thấy việc “biết sử dụng đồng vốn FDI” trong giai đoạn tới là vấn đề đặt ra.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa DN.
Gần đây, thu hút FDI đã có sự chuyển hướng, Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhiều dự án lớn được triển khai, nhất là các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Một kỷ lục mới đã được thiết lập trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2017. Hy vọng FDI vào Việt Nam trong năm tới vẫn tiếp tục xu hướng tăng không chỉ là con số mà còn chuyển biến cả về chất lượng.
Theo Kinh tế đô thị