Ngân hàng lo là có cơ sở vì hiện có ít nhất trên 20.000 tỷ đồng đang được các nhà băng “xếp hàng” chờ VAMC bán hộ, trong khi nợ xấu của toàn hệ thống có dấu hiệu dềnh lên.
Trong 6 năm qua, một khoản nợ xấu khổng lồ (786.000 tỷ đồng) đã được VAMC và các ngân hàng xử lý. Song gần 40% trong số đó là các khoản nợ được ngân hàng “gửi” ở kho VAMC; số còn lại được ngân hàng tự chi trích lập dự phòng để xử lý, chỉ một phần nhỏ nợ xấu được VAMC và ngân hàng “bán” thành công ra thị trường.
Việc VAMC tiến hành thu giữ và bán đấu giá khoản nợ xấu khổng lồ hơn 6.100 tỷ đồng tại Dự án Sài Gòn One Tower đã mở ra kỳ vọng lớn cho thị trường.
Thế nhưng, đã nửa năm trôi qua, khoản nợ này vẫn nằm im. Hàng loạt khoản nợ xấu khác được VAMC rao bán, thương vụ thành công cũng không ít, song đa phần là các thương vụ nhỏ.
Theo thống kê sơ bộ, tổng số nợ mà VAMC mua của thị trường mới đạt 3.500 tỉ đồng. Với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong khi số nợ mà các ngân hàng đăng ký bán cho VAMC theo giá thị trường cao gấp 10 lần (hơn 20.000 tỷ đồng), thì có lẽ còn rất lâu, VAMC mới đáp ứng được kỳ vọng của các ngân hàng thương mại.
Rõ ràng, chưa kể khối lượng nợ xấu nội bảng lớn, hàng trăm tỷ đồng nợ xấu được coi là ngoại bảng tại VAMC đang đếm lùi ngày trở về nhà băng do thời hạn được “gửi” ở VAMC là 5 năm. Trong khi đó, cách xử lý thực chất nhất (mua bán nợ theo giá thị trường) vẫn rất khó khăn.
Việc “chợ” nợ xấu chuyên nghiệp chưa thực sự hình thành, các thương vụ lớn chưa có… khiến không chỉ khiến các tổ chức tín dụng, mà ngay cả VAMC cũng bế tắc cho dù với sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), hành lang pháp lý đã được hoàn thiện.
Thứ nhất, mặc dù Nghị quyết 42 cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp, xử lý tài sản bảo đảm, nhưng trong hàng ngàn vụ án đang được tòa án thụ lý, chưa có vụ án nào được áp dụng trình tự này.
Thứ hai, chính sách thuế cũng chưa hỗ trợ, khuyến khích việc xử lý nợ xấu. Đơn cử, tại Ngân hàng Agribank, một tài sản đảm bảo trị giá hơn 500 tỷ đồng bằng hình thức trả chậm 20 năm, nhưng Bộ Tài chính lại yêu cầu ngân hàng phải nộp thuế ngay 40 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, khoản nợ thu được trước mắt trong vài năm đầu may ra chỉ đủ cho ngân hàng… nộp thuế.
Thứ ba, cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản đảm bảo chưa đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng nên các tổ chức này gặp khó khăn trong việc xác định tài sản bảo đảm nào đang tranh chấp, tài sản bảo đảm nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp. Điều này không chỉ khiến các cơ quan tố tụng có cách hiểu khác nhau, mà còn khiến nhà đầu tư lo ngại
Thứ tư, việc thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng vẫn gặp khó khăn do khách hàng không hợp tác trong bàn giao tài sản; các cơ quan chức năng chưa phối hợp, hỗ trợ để giải quyết khó khăn cho các tổ chức tín dụng.
Thứ năm, quá trình xử lý của cơ quan thi hành án kéo dài, nhất là khi vụ án có thêm tình tiết mới hay khi một bên tuyên bố phá sản cũng ảnh hưởng tới việc xử lý nợ xấu.
Thứ sáu, quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC vẫn chưa được quy định rõ ràng…
Tất cả vướng mắc trên không chỉ khiến VAMC và tổ chức tín dụng gặp khó khi bán nợ, mà nhà đầu tư cũng do dự.
Nghị quyết 42 vốn được coi là là bảo kiếm để xử lý nợ xấu nhưng bảo kiếm này chỉ còn hiệu lực hơn 3 năm nữa. Nếu trong thời gian này, thị trường mua bán nợ chưa thể hình thành và phát triển, thì nỗi lo nợ xấu lại tiếp tục dềnh lên.
Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan quản lỷ và chính các ngân hàng phải cùng bàn thảo, đề xuất thêm pháp, qua đó cùng cơ quan công quyền sớm giải tỏa “cục máu đông” nợ xấu tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua.
Theo Hà Tâm
baodautu.vn
>> Agribank và VietinBank dồn dập rao bán nợ, phát mãi TSBĐ để xử lý nợ xấu