Tổ chức này nhận định thành tựu tăng trưởng vững chắc của Việt Nam trong những năm qua sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì định mức tín nhiệm quốc gia của nước ta. S&P đã cân nhắc tới thách thức tiềm tàng đối với lĩnh vực tài khóa và ngân hàng trong trường hợp tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu tiếp tục kéo dài.
Triển vọng tín nhiệm của Việt Nam được duy trì ở mức Ổn định thể hiện nhận định nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng và cân bằng khi đại dịch toàn cầu được kiểm soát, với khu vực xuất khẩu và tổng cầu nội địa là động lực tăng trưởng chính giúp dự báo tăng trưởng của Việt Nam cao hơn hẳn mức bình quân của các quốc gia đồng hạng tín nhiệm.
Trong kịch bản đại dịch trên toàn cầu được cơ bản kiểm soát vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, S&P dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 và từ năm 2022 sẽ tiến gần tốc độ phát triển Việt Nam đã xác lập trong dài hạn từ 6,0-7,0%.
Trong quá trình Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan làm việc với S&P để đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia cuối tháng 4/2020, phía Việt Nam đã trao đổi và đưa ra những minh chứng thuyết phục về khả năng thích ứng của nền kinh tế được thể hiện rõ nét trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức như hiện nay.
Trên toàn thế giới, tính riêng từ đầu tháng 4 đến nay S&P đã điều chỉnh đánh giá tín nhiệm tiêu cực đối với 32 quốc gia, trong đó 10 quốc gia bị hạ bậc và 22 quốc gia bị hạ triển vọng.