Sức bật cho ngành xuất khẩu thủy sản

Sau 3 năm tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác khá tốt hiệp định này dưới nhiều chiều khía cạnh. Đặc biệt, doanh nghiệp ngành thủy sản đã hưởng lợi tương đối lớn từ hiệp định này.
Thuỷ sản tràn đầy cơ hội chiếm lĩnh thị trường CPTPP.
Thuỷ sản tràn đầy cơ hội chiếm lĩnh thị trường CPTPP.

Sức bật từ CPTPP

Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (khu Công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ), là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đông lạnh sang nhiều thị trường, trong đó có Mexico-một trong những thị trường thuộc nhóm CPTPP. Sau nhiều năm khó khăn, 3 năm trở lại đây, sản phẩm của doanh nghiệp đã được nhiều người biết đến hơn nhờ giá giảm do giảm thuế. Chưa kể, việc tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong khuôn khổ CPTPP cũng giúp sản phẩm của công ty định vị rõ hơn trong tâm trí người tiêu dùng.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) 10 thị trường thành viên trong khối CPTPP hiện đang chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Nhiều nước thành viên trong khối CPTPP đang là các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Canada, Australia và Mexico. Trong đó, Nhật Bản luôn giữ vị trí “top 3” trong các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ nhiều năm nay.

Trên thực tế, từ năm 2008, Nhật Bản đã ký FTA với Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng quy tắc xuất xứ để tận dụng các ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường này chưa được nhiều. Nhưng sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã có thêm động lực và lợi thế để gia tăng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP chia sẻ, sau khi CPTPP được ký kết, thủy sản là một trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất bởi chính sách cắt giảm thuế của Hiệp định này sâu nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, các nhóm mặt hàng thủy sản Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ… bởi họ không nằm trong khối CPTPP. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu vào khối thị trường này, đặc biệt đối với các sản phẩm như cá phi lê đông lạnh, tôm đông lạnh,…

Thực tế cho thấy, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang khối thị trường này tăng trưởng gần 3% trong năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản, Australia đều tăng 6%, sang Bruney 10%, Malaysia và Peru tăng nhẹ 1%.

Sang năm 2020 và 2021, xuất khẩu thủy sản sang khối CPTPP sụt giảm nhẹ, chủ yếu do tác động Covid-19 làm ảnh hưởng giao thương và làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Tuy vậy, trong thời gian này vẫn có điểm sáng khi một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao. Chẳng hạn như Australia duy trì tăng trưởng dương trong cả 3 năm liên tiếp với mức tăng lần lượt 6%, 10% và 22%. Hay với thị trường Canada, năm 2020 tăng mạnh 14%, tuy nhiên năm 2021 giảm nhẹ 2% do dịch Covid làm cước phí vận tải tăng, thiếu container vận chuyển đi Bắc Mỹ. Còn thị trường NewZealand ghi nhận tăng mạnh 20% và 18% trong 2 năm 2020-2021. Riêng xuất khẩu sang Mexico tăng vọt 65%, sang Brunei tăng 34% trong năm 2021.

2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào khối thị trường CPTPP tiếp tục tăng trưởng ổn định gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường tăng trưởng lớn nhất là Canada với 69,6% và Nhật Bản tăng 16% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào nhóm thị trường này là tôm chiếm gần 46%, cá tra chiếm 14%- càng khẳng định tầm quan trọng của khối thị trường này với ngành thủy sản.

Vượt qua rào cản

Tín hiệu vui bước đầu là vậy, tuy nhiên, người tiêu dùng trong khối CPTPP có thu nhập bình quân đầu người cao, lên đến trung bình trên 30.000 USD/năm. Bên cạnh đó, nhiều thị trường trong khối CPTPP vốn nổi tiếng là thị trường khó tính về an toàn vệ sinh thực phẩm nên doanh nghiệp đang phải đối diện với rất nhiều những thách thức.

Để tận dụng tốt hơn những lợi thế từ CPTPP trong thời gian tới, VASEP đã và dang khuyến cáo doanh nghiệp thủy sản trước hết cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các hiệp định CPTPP. Tiếp đến cần tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác CPTPP. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, trách nhiệm xã hội và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Cuối cùng là tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, để giúp các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh và chủ động đáp ứng các quy định của thị trường, ông Trương Đình Hoè cho rằng, ngoài việc doanh nghiệp tự nâng cao năng lực quản lý, thay đổi phương thức sản xuất theo xu hướng người tiêu dùng, rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, cần tiếp tục cải cách hành chính và triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng tốt hơn CPTPP để chiếm lĩnh một trong những thị trường quan trọng trong khối là Mexico, cuối tháng 3 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico đã phối hợp với Bộ Kinh tế Mexico tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam-Mexico 2022. Hội nghị nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Mexico.

Tại đây, gần 60 doanh nghiệp hai bên đã trao đổi, chia sẻ các thông tin về khả năng xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của hai nước và một số vấn đề cần biết khi kinh doanh tại thị trường của nhau. Các doanh nghiệp tham gia hội nghị đã được Ban tổ chức bố trí lịch giao thương, hướng dẫn trao đổi tại các phiên giao thương theo nhóm sản phẩm hoặc theo cặp doanh nghiệp.

Ngoài ra, hội nghị cũng dành riêng một số phiên phục vụ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm nguồn cung sản phẩm chế tạo như máy điện, thiết bị điện tử, điều hòa không khí, dụng cụ quang học, thiết bị y tế… từ các nhà sản xuất và thương mại Mexico. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu và chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt khi CPTPP đang tạo điều kiện rất tốt cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm