Tài chính của "ông trùm BOT" Tasco: Lên đỉnh vinh quang rồi… lao dốc

Vào giai đoạn khó khăn năm 2018, tổng tài sản của Tasco đạt mức 10.831 tỷ đồng, nhưng dòng tiền lại rất èo uột khi tiền và các khoản tương đương tiền chỉ có 142 tỷ đồng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tasco 1.png
Tasco - doanh nghiệp được biết đến với cái tên "trùm BOT" khi mạnh tay đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trải dài từ Bắc đến Nam

Tasco được mệnh danh là "ông trùm BOT" vì từng có một thời huy hoàng, vàng son, liên tục lên đỉnh. Nhưng sau đó doanh nghiệp này gặp sự cố và bị tụt dốc không phanh tới mức lỗ nặng và buộc phải có cuộc đại tái cấu trúc.

THỜI KỲ VÀNG SON

Được thành lập từ năm những năm đầu 1970 và đổi tên thành Công ty Cổ phần Tasco vào năm 2007, nhưng tên tuổi của Tasco chỉ được mọi người biết đến và nổi trên thương trường vào giai đoạn 2010 -2016, cũng chính là thời ông Đinh La Thăng ngồi ghế "nóng" tư lệnh ngành giao thông.

Đây có thể coi là thời kỳ huy hoàng của Tasco vì chỉ trong thời gian ngắn nhưng doanh nghiệp này được giao hàng loạt các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT và BOO, bao gồm việc xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch và các trạm thu phí tự động quy mô toàn quốc. Và được ví như "gà đẻ trứng vàng" với doanh thu liên tiếp tăng trưởng với cấp số nhân.

Đầu tiên phải kể đến chính là Dự án BOT Mỹ Lộc (tuyến QL 21B, tỉnh Nam Định), với số vốn đầu tư lên đến 3.801 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 1/2010, thông xe vào cuối tháng 6/2012.

Tiếp đến là các dự án như: BOT Quảng Bình (tổng mức đầu tư 2.004 tỷ đồng); Dự án xây dựng công trình nâng cấp đường tỉnh 39B Thái Bình theo hình thức hợp đồng BT, tỉnh Thái Bình (tổng mức đầu tư 1.882 tỷ đồng); Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70 theo hình thức hợp đồng BT, thành phố Hà Nội (tổng vốn đầu tư 1.543 tỷ đồng); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua thành phố Hải Phòng theo hình thức hợp đồng BOT (tổng mức đầu tư 2.815 tỷ đồng); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình theo hình thức hợp đồng BOT (tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng).

Nhờ chính những dự án này mà giai đoạn năm 2010 – 2016, khối tài sản của Tasco liên tục phình to lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây cũng là thời kỳ thịnh vượng nhất của ông Phạm Quang Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tasco.

Screen Shot 2023-08-17 at 09.47.51.png
Lợi nhuận sau thuế của Tasco qua từng năm

Nhìn chung, lợi nhuận của công ty đã lột xác ngoạn mục. Nếu năm 2009 là 20 tỷ đồng thì năm 2010 nhảy vọt lên 86 tỷ đồng và năm 2011 đạt 126 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2014 và năm 2016, doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận lên đến 334 tỷ đồng và 403 tỷ đồng.

Đồng thời, kéo theo đó là tổng tài sản của Tasco năm 2007 chỉ 221 tỷ đồng, nhưng chỉ 3 năm sau, vào năm 2010, con số này đã "nở" to gấp 14,3 lên tới 3.178 tỷ đồng, đến 2014 là 6.218 tỷ đồng và đến năm 2016 đã gấp 42 lần, tương đương 9.319 tỷ đồng.

LAO DỐC KHÔNG PHANH

Và cũng thật trùng hợp, kể từ năm 2017, sau khi ông Đinh La Thăng rời ghế Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và bị truy tố thì kết quả kinh doanh của Tasco tự nhiên bị lao dốc không phanh tới mức có những năm bị lỗ nặng, cho dù, Tasco đang là một trong những doanh nghiệp thực hiện dự án giao thông mạnh nhất cả nước và nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đẩy mạnh đầu tư công.

Sau khi ông Đinh La Thăng bị truy tố, khó khăn liên tục ập đến Tasco, không chỉ không có thêm dự án được đầu tư, mà một số dự án BOT vốn được xem là "gà đẻ trứng vàng" phải tạm dừng thu phí vì vướng phải làn sóng các tài xế phản đối các BOT lan rộng trên toàn quốc. Điển hình như BOT Quảng Bình, trạm thu phí Tân Đệ, tỉnh Thái Bình (đã phải chuyển về tuyến tránh Đông Hưng), trạm thu phí BOT Mỹ Lộc, Nam Định (buộc phải giảm hơn 50% phí để hoạt động trở lại).

Ngoài ra, dự án thu phí tự động không dừng VETC từng được "ông trùm BOT" Tasco kỳ vọng đầu tư sẽ là bước ngoặt kéo Tasco khỏi vũng bùn thì lại không hoạt động như kỳ vọng, khiến doanh nghiệp này phải ôm thêm khoản lỗ khổng lồ lên tới gần 700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, năm 2018, Tasco vướng phải lùm xùm xoay quanh những sai phạm của dự án Xuân Phương Residence và Foresa Villa khiến tiến độ thực hiện bị chậm trễ.

 VETC.jpeg
Công ty Thu phí Tự động VETC - công ty con của Tasco

Điều đó đã đẩy doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tasco năm 2017 lần lượt lao dốc xuống chỉ còn 2.195 tỷ đồng và 297,5 tỷ đồng. Đến năm 2018 thì rớt thảm hại chỉ còn 1.147 tỷ đồng và 65 tỷ đồng. Bắt đầu năm 2019 thì bị thua lỗ, lợi nhuận sau thuế của Tasco bị âm tới tới 54 tỷ đồng; năm 2020, doanh thu chỉ còn 750 tỷ đồng và lỗ lên tới 235 tỷ đồng.

Cùng với đó, tổng tài sản của "ông trùm BOT" Tasco cũng bị kéo xuống chỉ còn 6.181 tỷ đồng (năm 2017) và dù đã tăng trở lại vào năm những năm sau đó nhưng chủ yếu vẫn là đi vay nợ. Cụ thể như năm 2018, tổng tài sản của Tasco là 10.831 tỷ đồng, nhưng tiền và các khoản tương đương tiền chỉ có 142 tỷ đồng.

Lĩnh vực kinh doanh chính gặp khó cộng thêm "cú đấm bồi" của dịch Covid-19 vào năm 2020 khiến sức khỏe tài chính của HUT càng thê thảm.

HÁI "QUẢ NGỌT" VETC

Năm 2021, sau thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp, Tasco thoát khỏi thời kỳ đen tối. Doanh thu và lợi nhuận đạt 874 tỷ đồng và 62 tỷ đồng.

Cũng trong quãng thời gian này, giá cổ phiếu HUT từ 4.200 đồng/cổ phiếu (tháng 12/2020) vọt lên đến 20.800 đồng/cổ phiếu (tháng 12/2021). Đây cũng là mức đỉnh lịch sử của cổ phiếu này từ khi niêm yết trên sàn tính đến thời điểm đó.

Đến năm 2022, sau thời gian miễn phí, Công ty Thu phí Tự động VETC - công ty con của Tasco chính thức thông báo mức phí dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC). Cụ thể từ tháng 8/2020, khách hàng sẽ phải trả 120.000 đồng/xe khi dán thẻ ETC của VETC, áp dụng với tất cả phương tiện dán mới hoặc thay thẻ, dán lại.

Chính hoạt động này đã giúp doanh thu năm 2022 của VETC tăng gần gấp đôi lên 346 tỷ đồng. Điều này cũng xóa dần mức lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng mà VETC đang gánh và số lỗ được thu hẹp, chỉ còn lỗ 132,6 tỷ đồng.

Trong 3 năm từ 2020 - 2022, VETC đã lỗ tổng cộng 691 tỷ đồng và đương nhiên công ty mẹ Tasco là đơn vị phải đứng ra “ôm” khoản lỗ lũy kế khổng lồ của VETC.

Kết thúc năm 2022, Tasco lợi nhuận sau thuế đạt 143,8 tỷ, tăng 225,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch đề ra, Tasco mới thực hiện được hơn vỏn vẹn 9% chỉ tiêu doanh thu và hơn 55% lợi nhuận sau thuế.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng tài sản Tasco gần 11.633 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, tương đương tăng hơn 900 tỷ đồng. Biến động chủ yếu tới từ tiền và các khoản tương đương tiền tăng 49%, tương đương hơn 953 tỷ đồng; khoản đầu tư tài chính ngắn hạn gấp 8 lần đầu năm, tương đương gần 597 tỷ đồng và khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn gấp 3,2 lần, tương đương hơn 237 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Tasco đạt 7.765 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó, phải trả ngắn hạn khác tăng mạnh từ gần 297 tỷ đồng lên hơn 1.524 tỷ đồng, gấp 5 lần đầu năm. Ngược lại, vay nợ thuê ngắn hạn giảm 12% (hơn 2273 tỷ đồng); vay nợ thuê dài hạn giảm 7% (hơn 4.561 tỷ đồng).

Trong khi đó, khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng hơn 2%, lên hơn 337 tỷ đồng, do Tasco đầu tư hơn 257 tỷ đồng vào Công ty TNHH NVT Holdings. Ngược lại, danh mục không còn ghi nhận khoản đầu tư gần 240 tỷ đồng vào Tổng Công ty Thăng Long - CTCP do trong tháng 7/2022, Tasco đã thoái 100% vốn góp tại đơn vị này.

Kết thúc quý 2/2023, trùm BOT này đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 315 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lợi nhuận tài chính bị lỗ 47 tỷ đồng, lợi nhuận khác lỗ 3,7 tỷ đồng.

BOT Mỹ Lộc.jpeg
Dự án BOT Mỹ Lộc (tuyến QL 21B, tỉnh Nam Định) do Tasco làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư lên đến
3.801 tỷ đồng

Như vậy, tính cả 6 tháng đầu năm 2023, Tasco mới đạt doanh thu 609 tỷ đồng và lãi được 10,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với kế hoạch kinh doanh mà ĐHCĐ năm 2023 Tasco đã công bố (doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất đạt 22.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, lần lượt gấp 21 và gấp 4 lần thực hiện năm trước) thì công ty này mới đạt 9,7% kế hoạch doanh thu và 9,8% kế hoạch lợi nhuận.

Kết thúc quý 2/2023, tổng tài sản của Tasco là 11.664 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ là 7.780 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 3.884 tỷ đồng. Các khoản nợ của Tasco chủ yếu là nợ ngân hàng, riêng khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 4.341 tỷ đồng.

Tiền và các khoản tương đương tiền của Tasco lên tới 1.044 tỷ đồng, nhưng theo tìm hiểu của Thương gia, khoản tiền này chủ yếu là tiền thu phí ETC, gửi qua ngân hàng.

TỪ BÁN Ô TÔ ĐẾN KINH DOANH BẢO HIỂM, Y TẾ

Tại diễn biến khác, để có được kết quả kinh doanh như trên, Tasco cũng phải tự cắt đi những "u nhọt" và đa dạng hoá thêm ngành nghề.

Cuối năm 2021, Tasco ra quyết định thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp tại các công ty con/công ty liên kết thuộc sở hữu của Tasco tại các công ty con, công ty liên kết thuộc các lĩnh vực hoạt động cần tái cấu trúc là: Công ty cổ phần Tasco Thành Công; Công ty TNHH MTV Tasco Nam Định, Công ty TNHH An Nhiên Foods, Bất động sản Thái An, Tasco Thăng Long, D-Tech, Tổng công ty Thăng Long.

Việc thoái vốn tại 7 công ty sẽ giúp Tasco thu về 600 tỷ đồng và Tasco sẽ không còn sở hữu cổ phần vốn góp tại các công ty thoái vốn này.

Tiếp đó, HUT chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Bệnh viện Mắt Hà Nội Cơ sở 2. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, Tasco đang nắm 67% vốn điều lệ tại bệnh viện này với số vốn đầu tư là 17,8 tỷ đồng, được trích lập dự phòng toàn bộ.

Vào tháng 10/2022, Tasco thông báo sẽ phát hành tối đa hơn 116,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tương đương tỷ lệ phát hành 3:1) với giá phát hành 10.000 đồng/cp và dự kiến thu về 1.162 tỷ đồng. Tasco cho biết, mục đích sẽ dùng 612 tỷ đồng để góp vốn vào công ty bảo hiểm trong quý 1/2023 và 550 tỷ đồng để góp vốn cho Công ty TNHH Tasco Land.

Trước đó 1 tháng, Tasco mới mua 100% công ty Bảo hiểm Tasco – tên cũ là Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ tay tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles (Pháp). Công ty này được cấp phép hoạt động tại Việt Nam từ năm 2001 với trụ sở đặt tại TP.HCM

Đến tháng 12/2022, công ty tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco (TIC) bằng hình thức góp thêm hơn 612 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ của Bảo hiểm Tasco này sẽ tăng từ 405 tỷ đồng lên 1.017 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2022, Tasco lên kế hoạch và muốn thực hiện phát hành gần 544 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phần theo tỷ lệ 1:1, thông qua 21 cổ đông, nhằm sở hữu 100% vốn Công ty Cổ phần SVC Holdings. Việc hoán đổi dự kiến được hoàn thành trong tháng 8/2022 nhưng không thành công và HUT vẫn đang hoàn thiện thủ tục, thời điểm hoàn thành sẽ được thực hiện trong năm 2023. Và dù 7 tháng đã trôi qua, nhưng kế hoạch này vẫn dậm chân tại chỗ chưa có động thái tiến triển.

Được biết, SVC Holdings đang nắm tới 53,68% cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, HOSE: SVC) – đơn vị nắm 11,9% thị phần xe ô tô mới, phân phối 10 hãng ô tô phổ thông (trong đó, chiếm hơn 22% thị phần phân phối xe Toyota, 33% thị phần phân phối xe Ford).

SVC Holdings còn sở hữu các công ty phân phối ô tô Volvo, Công ty Cổ phần Savico Hà Nội, chủ đầu tư của dự án Trung tâm Savico Megamall 4,6 ha tại số Long Biên, Hà Nội; Toyota Giải Phóng; Toyota Long Biên và một số showroom tại các tỉnh thành phía Bắc. Bên cạnh đó là sở hữu Công ty Cổ phần Dana với các showroom phân phối tại khu vực miền Trung. Năm 2022, doanh thu hợp nhất toàn hệ thống của SVC Holdings đạt 25.773 tỷ đồng, vượt 7,4% kế hoạch đề ra.

Việc sở hữu SVC Holdings giúp Tasco hoàn thiện hệ sinh thái về xe ô tô, gia tăng số lượng showroom và phát triển thương hiệu ô tô mới để đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ô tô.

Ban lãnh đạo Tasco cũng cho biết, doanh nghiệp sẽ có những thay đổi mạnh mẽ việc tập trung vào các lĩnh vực hoạt động có ưu thế, dồn nguồn lực và đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như: Đầu tư hạ tầng giao thông bao gồm hạ tầng thông minh VETC, các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, đầu tư khai thác bất động sản và đầu tư phát triển hạ tầng y tế.

Cùng với đó, Tasco vẫn sẽ tập trung thực hiện và phát triển các dự án hiện hữu trong lĩnh vực bất động sản và y tế như: dự án 48 Trần Duy Hưng, khu vực bất động sản dịch vụ tại Khu đô thị Xuân Phương, dự án Bệnh viện Hải Châu và phát triển kinh doanh Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2...

Tuy vậy, trong kế hoạch tái cấu trúc, Tasco vẫn đặt đầu tư hạ tầng giao thông các dự án BOT, VETC là lĩnh vực đầu tư trọng điểm.

Có thể bạn quan tâm