Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu: Cần bước đi mạnh mẽ, lộ trình hợp lý

Để giải quyết căn cơ nợ xấu thì phải làm sao tạo được thị trường mua bán nợ. Phải làm sao xử lý tài sản thế chấp, bởi người vay không hợp tác khi không trả nợ thì nhiều năm cũng không bán được tài sản
Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu: Cần bước đi mạnh mẽ, lộ trình hợp lý

Cho phá sản chỉ là một hình thức

Điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật lần này là nội dung “phá sản” - một trong các hình thức xử lý pháp nhân được đưa vào trong luật về NH.

Bàn về khía cạnh này, chuyên gia kinh tế TS. Luật sư Bùi Quang Tín nhận thấy trong Dự thảo Luật có đưa ra từ “phá sản”, nhưng chưa đưa ra quy định cụ thể về vấn đề phá sản NH. Theo quan điểm của vị chuyên gia này, cần có một lộ trình rõ ràng trước khi cho NH phá sản. Trong Dự thảo Luật này nói rõ những NH yếu kém có một giai đoạn hỗ trợ, và NHNN cũng đưa ra những biện pháp hỗ trợ rõ ràng. “Khi anh yếu kém, người ta cho anh cơ hội để phục hồi. Nếu không phục hồi thì cho ba lựa chọn: giải thể, phá sản hoặc mua lại giá 0 đồng.

Các TCTD cũng như loại hình DN, nhưng không thể nào coi đó là một DN bình thường được. Nếu thực hiện quá nhanh mà không suy tính sẽ gây ra sự bất ổn. Hệ thống TCTD là những định chế trung gian tài chính, khi gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng đến sự luân chuyển vốn trong nền kinh tế, ảnh hưởng an toàn hệ thống. Nên theo tôi, thực hiện có lộ trình là phương án phù hợp nhất”, ông Tín chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm của TS. Tín, một lãnh đạo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nêu ý kiến: Không nên trì hoãn con đường phá sản nhưng cần phải có thời gian. Vị này cho rằng, “chúng ta phải làm cho hệ thống được trong lành hơn, các chỉ tiêu tài chính của TCTD ngày càng minh bạch hoá. Phá sản lúc này chưa làm được, nhưng chúng ta có những cách thức để xử lý vấn đề này hài hoà hơn”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng bày tỏ cần có thời gian chuẩn bị, không những cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và XLNX mà còn cần có sự rà soát lại các luật, các văn bản có liên quan để tạo sự đồng bộ, tìm ra tiếng nói chung, sự cân bằng giữa các luật chung và luật riêng. Đơn cử như Bộ luật Dân sự 2015 cũng chưa đề cập tới nội dung này.

Về bản chất xử lý các NH yếu kém, NHNN đã bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị. Trong Dự thảo Luật chỉ làm rõ thêm biện pháp phục hồi theo hình thức thông thường hay phục hồi theo biện pháp bắt buộc. “Việc xử lý phá sản chỉ là một hình thức. Và NHNN cũng quán triệt nguyên tắc không nhất thiết phải giữ lại các TCTD yếu kém”, lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho hay.

“Đốt đuốc” tìm nguồn lực

Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu: Cần bước đi mạnh mẽ, lộ trình hợp lý ảnh 1

Muốn đẩy mạnh TCC thì phải có nguồn lực. Nhưng tìm nguồn lực cho TCC ở đâu? Các chuyên gia tài chính, nhà làm luật, quản lý... đều đồng tình “trước hết và chủ yếu phải từ xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các TCTD”. Phân tích thêm, một vị chuyên gia cho rằng: Chúng ta xây dựng luật này để hỗ trợ TCC và XLNX, không nên sử dụng tiền nhà nước cho việc này. Những trường hợp đặc biệt có thể dùng nguồn lực nhà nước.

Nhưng Nhà nước, Chính phủ không thể cứ bỏ vốn ra để xử lý các vấn đề thua lỗ, yếu kém, thậm chí là thiếu trách nhiệm, vi phạm hình sự của các TCTD. Không phải chúng ta hỗ trợ TCTD để cứu cho nó sống bằng mọi giá. Hỗ trợ để tháo gỡ tới mức tốt nhất để TCC và XLNX, nhưng phải trên quan điểm thị trường. Như vậy, bắt buộc cần xây dựng cơ chế nguồn lực từ xử lý TSBĐ. “Vướng ở đâu, gỡ ở đó. Các biện pháp để tạo ra nguồn lực, XLNX chính là tháo gỡ để xử lý TSBĐ.

Và Luật này phải bảo đảm được mục tiêu đó mới có ý nghĩa”, vị này nhấn mạnh. Nguồn lực thứ hai được vị này đề cập tới là từ Bảo hiểm Tiền gửi (BHTG). BHTG là một định chế có vai trò quan trọng, và trong kinh nghiệm xử lý TCC của các nước thì cơ quan này tương đối có sức nặng. Nhưng làm sao để sử dụng nguồn lực này cho hiệu quả cũng nên được xem xét. Thứ ba là cũng cân nhắc tới khoản dự trữ ngoại hối có thể sử dụng được không?

Sử dụng nguồn lực nào cho TCC, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước, thì “đây là bài toán chi phí cơ hội của cả một nền kinh tế. Không có khái niệm xin - cho ở đây, lợi ích quốc gia là trên hết, và chúng ta phải lựa chọn một phương pháp khôn ngoan trong hội nhập quốc tế”.

TCC hệ thống NH nghĩa là NH có bệnh. Nếu đã là bệnh thì cần có thuốc chữa bệnh và thầy chữa bệnh. Linh hồn của Luật này, theo ông Phước bên cạnh các trình tự xác định các TCTD yếu kém trong diện kiểm soát đặc biệt... thì cần phải tiếp cận thêm một cách khác nữa. Đó là làm sao để sử dụng nguồn tiền, thay mặt cho nguồn lực nhà nước không mất đi, nhưng tạm ứng, đi trước để tạo ra cú hích cho hệ thống NH. Đó mới là linh hồn của luật là TCC. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế.

VAMC phải trở thành lực lượng xung kích nhất trong quá trình xử lý đột phá này. “Khi nói tới XLNX thì vai trò của VAMC rất quan trọng, gắn với VAMC là vai trò thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên không thấy dáng dấp điều này trong Dự thảo Luật đưa ra”, ông này chia sẻ thêm. Ông Phước cũng đề xuất khi nói về nguồn lực, nên có một phần quy định về lực lượng tham gia vào tái cơ cấu. Đó là cán bộ NHNN, cán bộ tinh hoa của các NHTM... phải ra “tiền tuyến”.

Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và XLNX đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất sát thực. Và quan điểm chung có thể khái quát theo câu nói của James C.Collins, nhà quản lý, tư vấn kinh doanh người Mỹ:“Nếu công ty bạn là một chiếc xe, hãy mời những người thích hợp lên xe và những người không thích hợp xuống xe”.
Còn theo TS. Luật sư Bùi Quang Tín, hiện nay các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, IMF hoàn toàn có thể cho vay hỗ trợ với lãi suất thấp, chúng ta lấy nguồn này để tái cấp vốn. “Nếu nói hoàn toàn sử dụng ngân sách là chưa chính xác, nếu như NHNN có nguồn vốn giá rẻ thì tại sao phải dùng ngân sách”- ông Tín đặt vấn đề.

Dẫn ra một ví dụ của hệ thống tài chính Trung Quốc thời kỳ khủng hoảng, một nhà nghiên cứu kinh tế khác chỉ ra một biện pháp sử dụng nguồn lực mà quốc gia này áp dụng cho hệ thống NH. Đó là khi việc 4 NHTM quốc doanh Trung Quốc rơi vào tình trạng sắp sụp đổ, động thái đầu tiên của chính phủ nước này là phân loại xem nguồn gốc nợ xấu phát sinh từ đâu.

Nếu phát sinh từ cơ chế, chính sách của Nhà nước hoặc từ các DNNN thì phải bỏ tiền ngân sách để xử lý. Còn nếu do lỗi của TCTD thì TCTD phải xử lý. Liệu chúng ta có thể xem xét cách xử lý này bởi hệ thống NH Việt Nam có đặc thù hơi giống với Trung Quốc khi xuất phát điểm từ các DNNN và các khoản nợ của DNNN?

Theo thoibaonganhang.vn

Có thể bạn quan tâm