Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân tại Thông tư 39 vừa ban hành để phù hợp với Bộ luật này.
"Theo Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/3, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn.
Thông tin này đáng khiến nhiều người lo ngại vì cho rằng với quy định này, việc vay vốn từ ngân hàng sẽ khó khăn hơn.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, quy định trên của Thông tư 39 nhằm xác định lại đối tượng vay vốn ngân hàng gồm pháp nhân và cá nhân theo thông lệ chung của toàn thế giới.
Theo thông lệ thế giới, chỉ có hai loại chủ thể pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, hộ kinh doanh hay tổ hợp tác là chủ thể ảo, thực chất là 1 hoặc một nhóm cá nhân, vì vậy bị xoá bỏ khỏi Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ông Trương Thanh Đức giải thích, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi vỏ hình thức là tên gọi. Theo đó, từ nay trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa.
Trong thông báo mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ, trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ.
Như vậy, để vay vốn, các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc chủ hộ phải tự đứng tên vay. Nói cách khác, việc vay vốn sẽ tiến hành bằng danh nghĩa từng cá nhân, cá nhân tự chịu trách nhiệm trả nợ, chứ không phải với danh nghĩa hộ gia đình, hộ kinh doanh.
Nhìn rộng hơn, theo Luật sư Trương Thanh Đức, hộ gia đình là một trong những chủ thể của quan hệ trong Bộ luật Dân sự trước đây (năm 2005). Tuy nhiên, nó đã tạo ra vô vàn rắc rối pháp lý trong thực tế cuộc sống, vì tuy có quy định nhưng lại gần như không thể xác định được nếu dựa trên cơ sở pháp lý. Việc Bộ luật Dân sự 2015 loại bỏ hộ gia đình, với tư cách là một chủ thể trong quan hệ dân sự là cần thiết và hợp lý.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải có thời gian cần thiết để các hộ kinh doanh có thể làm lại hợp đồng với ngân hàng khi quy định mới có hiệu lực. Thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), hiện trên cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh.
>> Từ 15/3, hộ kinh doanh không được vay vốn tại ngân hàng