Tình trạng bệnh nhân phục hồi nhưng lại có kết quả dương tính với virus Covid-19 khi tái xét nghiệm đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới, mặc dù chưa có số liệu thống kế chính thức về việc này. Điều đó đã đặt ra câu hỏi: Liệu người bệnh có khả năng bị tái nhiễm Covid-19 hay không?
Ở Hàn Quốc, tỷ lệ các trường hợp tái xét nghiệm có kết quả dương tính là thấp - chỉ khoảng 2,1% trong tổng số 7.829 người nhiễm bệnh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết. Tuy nhiên, phó giám đốc Trung tâm, ông Kwon Joon Wook cảnh báo, vẫn còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết hết về virus, bao gồm cả vấn đề miễn dịch tự nhiên. “Covid-19 là mầm bệnh thách thức nhất mà chúng ta có thể phải đối mặt trong những thập kỷ gần đây,”
Tìm thấy “tàn dư” của virus?
Cho đến nay, lời giải thích được cho là hợp lý nhất về lý do tại sao bệnh nhân đã phục hồi lại vẫn có kết quả dương tính khi tái xét nghiệm, là bởi xét nghiệm có thể đang tìm thấy “tàn dư” còn lại của virus trong cơ thể. KCDC đã điều tra 3 trường hợp từ cùng 1 gia đình có bệnh nhân được phát hiện dương tính với virus sau khi đã phục hồi. Trong mỗi trường hợp, các nhà khoa học đã cố gắng theo dõi và “ủ virus” nhưng lại không thể - điều này cho thấy không có dấu hiệu của virus sống. Giống như nhiều quốc gia, Hàn Quốc sử dụng phản ứng chuỗi polymerase (RT-PCR) để xét nghiệm virus. Xét nghiệm RT-PCR hoạt động bằng cách tìm ra thông tin di truyền của virus - hoặc RNA - trong mẫu bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân. Theo ông Kwon, các xét nghiệm này vẫn có thể phát hiện một phần của RNA còn sót lại kể cả sau khi người bệnh đã phục hồi. “Tôi nghĩ rất có thể đó là một lời giải thích hợp lý trong thời điểm này.”
Lý thuyết tương tự được đưa ra bởi một trong những chuyên gia hô hấp hàng đầu của Trung Quốc, ông Zhong Nanshan. Trong cuộc họp báo đầu tuần vừa qua, ông Nanshan đã nói rằng một bệnh nhân đã phục hồi vẫn có thể có kết quả dương tính khi tái xét nghiệm vì những “tàn dư của virus” vẫn còn có trong cơ thể họ. “Nhưng tôi không quá lo lắng về vấn đề này,” ông nói thêm.
Những ý kiến khác
Có những giả thuyết khác về lý do tại sao bệnh nhân có thể nhận kết quả tái xét nghiệm dương tính: xét nghiệm gặp lỗi hoặc virus có thể ‘tái kích hoạt’ trở lại.
Nếu do lỗi sai từ xét nghiệm, bệnh nhân có thể bị âm tính giả hoặc dương tính giả. Khả năng này có thể xảy ra khi có vấn đề với hoá chất sử dụng trong xét nghiệm hoặc khả năng virus biến đổi theo cách mà không thể xác định bằng xét nghiệm.
Trong một cuộc họp ngắn, ông Kwon Joon Wook của KCDC cho rằng khó có khả năng xét nghiệm bị lỗi. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã sàng lọc bệnh nhân có kết quả dương tính khi tái xét nghiệm để đảm bảo chắc chắn kết quả đó là chính xác. “Chúng tôi cần phải điều tra và nghiên cứu thêm.” Hiện KCDC đang theo dõi các trường hợp tái dương tính còn lại để tìm ra những câu trả lời rõ ràng hơn.
Liệu bệnh nhân có kết quả dương tính khi tái xét nghiệm có lây nhiễm cho người khác hay không?
Ông Kwon Joon Wook cho biết, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy những trường hợp này gây lây nhiễm cho người khác. “Hiện tại, chúng tôi nghĩ rằng không có nguy cơ lây truyền thứ cấp như vậy …”
Tuy nhiên, KCDC vẫn đề nghị các bệnh nhân được tuyên bố phục hồi tự cách ly thêm 2 tuần nữa để bảo đảm sức khoẻ và ngăn ngừa mọi khả năng tái lây nhiễm cộng đồng.
Vậy vấn đề này có ý nghĩa như thế nào đối với khả năng kháng thể?
Khi một người “chiến thắng” virus, cơ thể họ sẽ tạo ra kháng thể. Kháng thể là rất quan trọng vì chúng có thể ngăn chặn người bệnh tái nhiễm cùng loại virus, bởi cơ thể đã “biết” được cách để chống lại virus này. Tuy nhiên, số bệnh nhân đã phục hồi nhưng có kết quả dương tính khi tái xét nghiệm làm dấy lên mối lo ngại về cách kháng thể hoạt động để phản ứng lại với Covid-19.
Trong chương trình CNN Town Hall vào cuối tuần, tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên phản ứng đại dịch của Nhà Trắng đã đưa ra ý kiến cá nhân về câu hỏi này. Bà cho biết: “Tôi đã thấy nhiều bệnh nhân phục hồi và phát triển kháng thể, nhưng vẫn luôn có khả năng một số không phát triển kháng thể đối với loại virus này. Những ngoại lệ đó luôn tồn tại, nhưng hiện không có bằng chứng cho thấy vấn đề này là phổ biến.”
Nguồn: CNN