“Tam giác du lịch” dậy sóng

Tam giác du lịch Khánh Hòa – Lâm Đồng – Bình Thuận từ nhiều năm qua đã là một điểm sáng chói trong bức tranh du lịch của Việt Nam.

Tuy nhiên, trước sự phát triển ồ ạt và có phần nào hỗn độn, hai năm đại dịch hoành hành cũng là lúc các nhà quản lý, người hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và du lịch phải lắng lại để “vẽ” lại bức tranh du lịch, tạo ra nhiều không gian phát triển hơn, đồng thời cũng chắt lọc thêm nhiều “tinh chất” cho thế mạnh du lịch của địa phương mình.

Sân golf Đà Lạt – địa điểm yêu thích của các gôn thủ trong và ngoài nước
Sân golf Đà Lạt – địa điểm yêu thích của các gôn thủ trong và ngoài nước

“Giàu” quá sinh ngợp

Tiềm năng du lịch Việt Nam được ví như “cơn thèm khát” không có hồi kết của không chỉ du khách mà còn là của các nhà đầu tư sừng sỏ của thế giới. Cứ nhìn thấy vô số thương hiệu lớn của thế giới “đặt những viên gạch đầu” ngay từ khi Việt Nam mở cửa trong thập kỷ 80 cho đến thời điểm hiện nay sẽ thấy rõ điều đó. Furama resort, Hyatt, Intecontinational, Hilton, Seraton, Pacific… những cái tên khiến cho bất kỳ người Việt Nam nào cũng phải mỉm cười, ví mình như cô gái đẹp được nhiều anh săn đón. Nhưng đối với nhà quản lý của các địa phương, ngành văn hóa, du lịch và đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước, bên cạnh niềm vui còn là nỗi lo. Miếng bánh du lịch tuy lớn, lại được các tên tuổi lẫy lừng phủ “kem tươi thơm nức” nên càng trở nên hấp dẫn, nhưng nếu khai thác không khéo thì đến lúc nó cũng phải cạn kiệt. Các nhà đầu tư bỏ đi tìm vùng đất mới sẽ để lại phía sau một khung cảnh hoang tàn.

Biển Nha Trang mời gọi du khách
Biển Nha Trang mời gọi du khách

Nỗi lo ấy không phải là không có cơ sở.

Năm 2019 – năm “đỉnh cao chói lọi trước đại dịch” của du lịch Việt Nam, chúng ta đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế. Tính từ 2010 đến 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trung bình 15% mỗi năm. Về khách du lịch nội địa, đã có tới 85 triệu lượt khách – một con số khiến cho ai “buồn ngủ” mấy cũng phải bật dậy để chiêm ngưỡng và thán phục. Hoạt động du lịch đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 755.000 tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD), chiếm 9,2 % tổng GDP của cả nước.

Nhưng, tăng trưởng quá nóng đồng nghĩa với việc một mâm cỗ bị “chén” quá nhanh trong khi “đầu bếp” còn chưa kịp nghĩ ra “món ăn” mới. Nó khiến cho bức tranh du lịch bị đậm đặc ở một số trọng điểm hay bị băm nát ở những khu vực mới được đánh thức.

Đồi cát ở Mũi Né – Bình Thuận, vẻ đẹp độc đáo thu hút loại hình du lịch trải nghiệm.
Đồi cát ở Mũi Né – Bình Thuận, vẻ đẹp độc đáo thu hút loại hình du lịch trải nghiệm.

Khi tư duy bị “vón cục”

Khánh Hòa đã ghi nhận con số tăng trưởng du lịch đáng kể nhưng tập trung vào số phòng lưu trú là chính. Số lượng phòng ở thời điểm 10 năm trrước là 10.000 phòng, đến 2021 đã tăng lên 55.000 phòng – con số vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường, đặc biệt là những phòng chất lượng cao. Không gian phát triển du lịch chật hẹp, các nhà đầu tư thường tập trung đầu tư vào trung tâm thành phố làm cho trung tâm đặc quánh. Điều đó dẫn đến mất cân bằng về không gian phát triển kéo theo mất cân bằng về hạ tầng, kéo theo cả sự hạn chế về sản phẩm du lịch.

Tương tự như Khánh Hòa, tỉnh Lâm Đồng mà trung tâm du lịch là thành phố Đà Lạt có hơn 26 ngàn phòng khách sạn thì có 3.000 phòng từ 3 đến 5 sao. Còn lại là home stay và khách sạn nhỏ. Các cơ sở lưu trú này cũng co cụm về trung tâm. Cuối tuần xe từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đổ về dẫn đến cảnh kẹt xe hàng giờ trên đường. Các dịch vụ trải nghiệm không có nhiều. Khách nghỉ 2 ngày là hết các điểm check – in. Trong khi đó, Đà Lạt với lưu lượng 6 triệu khách/năm là điểm đến yêu thích của khách nội địa chứ không lệ thuộc vào khách quốc tế.

Bình Thuận mặc dù có chiến lược tương đối rõ ràng, được coi là “mở cửa sớm” và cũng sớm nhìn thấy tiềm năng khách du lịch đến từ Liên bang Nga nhưng vẫn bộc lộ những yếu điểm căn bản. Nhu cầu số 1 của du khách khi đến thành phố biển để nghỉ dưỡng là gì? Đó là không khí sạch. Sạch rồi mới đến đẹp và các yếu tố khác. Nhưng Bình Thuận hiện còn tồn tại nhà máy điện than. Thế nên Bình Thuận không thể xây dựng những cơ sở nghỉ dưỡng trong vòng bán kính 50 km từ nhà máy điện than đó. Phía Nam Bình Thuận là khu Mũi Né. Những năm trước, quy hoạch quá 2 ha trở lên phải do Thủ tướng phê duyệt. Dưới 2 ha do tỉnh phê duyệt. Đầu tư cơ sở du lịch vì thế rất manh mún, làm home stay hay các cơ sở lưu trú nhỏ là chính. Nó phù hợp cho người Sài Gòn đi ô tô ra nghỉ cuối tuần

Thị trường phát triển nhanh quá, phát triển nóng dẫn đến quy hoạch không theo kịp, không có quy hoạch rõ ràng. Những thành phố du lịch có núi là lợi thế. Nhiều nơi trên thế giới, họ có núi và nhờ có quy hoạch trước nên họ đã làm rất tốt việc phát triển du lịch núi nhưng ở ta, vì không có quy hoạch trước nên không có phát triển lên núi, dân phát triển tự phát dẫn đến những hệ lụy như sạt lở núi, hạ tầng không đảm bảo… Sản phẩm du lịch những năm qua chỉ chú tâm vào lưu trú chứ chưa chú trọng đến nghỉ dưỡng gắn kết với trải nghiệm. “Đất chật lại quá đắt. Mỗi m2 đất tới dăm ba trăm triệu. Muốn xây một công viên nước 2-3 ha trong thành phố cũng không thể. Vậy thì làm sao mà phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với trải nghiệm được”. Trong lần phỏng vấn mới đây, ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch tập đoàn Cristal Bay đã chia sẻ với Thương Gia như vậy.

Vàng là đây, bạc là đây

“Phải sửa sai, trước hết là sửa về quy hoạch. Phải nới rộng không gian phát triển. Mở vành đai ra ngoại ô. Thay đổi cả cơ cấu hành chính nhân sự, đào tạo nhân lực” - vẫn quan điểm của ông Nguyễn Đức Chi.

Hơn hai năm đại dịch, ngành du lịch toàn cầu gần như bị đóng băng. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đó là khoảng thời gian các cơ sở dịch vụ đón khách được “thở, thư giãn” và định hình lại hướng đi tốt hơn. Nhiều cơ sở dịch vụ, lưu trú tranh thủ sửa sang, xây dựng, nâng cấp để chờ ngày “cơn bĩ cực” đã qua, “hồi thái lai” đã tới. Các địa phương trong cả nước, đặc biệt là “tam giác du lịch” miền Trung và Tây Nguyên cũng định hình lại quy hoạch phát triển để sẵn sàng đón nhận làn sóng khách du lịch trở lại.

Lâm Đồng đang ráo riết cho mở các tuyến đường từ trung tâm ra các vùng du lịch vệ tinh. Không gian phát triển đang được căng ra, giãn nở ra…Có thể nói hai năm đại dịch là hai năm Đà Lạt thay đổi mạnh về hạ tầng cơ sở. Với đà tăng trưởng 15%/năm thì dự kiến năm 2023, Đà Lạt sẽ đón khoảng 12-14 triệu khách và để đón một lượng khách khổng lồ như vậy, Đà Lạt phải có 80 ngàn phòng lưu trú. So với con số khoảng hơn 30.000 phòng ở thời điểm hiện tại thì mục tiêu đạt 80.000 phòng sẽ còn là cả một thách thức vô cùng lớn của chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng như các nhà đầu tư.

Khánh Hòa – nơi được ví như thiên đường du lịch, trong đó có rất nhiều “chén ngọc quý” như núi Cô Tiên, bãi biển Trần Phú, Dốc Lết, bãi Dài, khu du lịch Vinpeal land… nay đang được “giãn nở” về 3 phía tây, nam, bắc, mở ra không gian phát triển mới cho du lịch. Điều đó giải quyết việc mất cân đối về hạ tầng, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng hơn, từ đó sẽ giải quyết được yếu tố thị trường.

Bình Thuận trong chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên cũng đã định hình lại không gian phát triển ở một số khu vực ven biển và các khu vực tiềm năng, tạo ra những khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… cao cấp.

Từ khi vaccine phòng covid 19 đã được tiêm gần như phủ khắp toàn quốc, dịch bệnh được kiểm soát, các biện pháp chống dịch được nới lỏng, vào những ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ, Tết, khách nội đổ về các điểm du lịch đông nghịt. Nay, với quyết định của Chính phủ về việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế vào ngày 15 tháng 3, các cơ sở lưu trú sau một thời gian sửa sang, nâng cấp đã bắt đầu trang hoàng lộng lẫy để đón khách. Những đơn hàng đưa khách từ các nước châu Âu, Nga, Hàn Quốc… đã tới tấp được chuyển đến các công ty lữ hành.

“Con gà” tiếp tục nhả “trứng vàng”!

Có thể bạn quan tâm