Tạm giữ lượng lớn bia Heineken bất hợp pháp để điều tra

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi vừa tiến hành tạm giữ số lượng lớn sản phẩm bia Heineken không rõ nguồn gốc để tiến hành điều tra...

Sản phẩm bia Heineken không rõ nguồn gốc được Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các lực lượng chức năng khác phát hiện trong quá trình, tuần tra kiểm soát.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi cho hay, ngày 20/02/2023 nhận được nguồn tin từ cơ sở cung cấp và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Đức Phổ và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an thị xã Đức Phổ dừng phương tiện ô tô do một lái xe trú tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế điều khiển và tiến hành khám xe.

Kết thúc quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe có vận chuyển nhiều thùng bia Heineken (loại 250 ml, 20 chai/thùng) do nước ngoài sản xuất.

Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa vận chuyển nêu trên. Do đó, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số bia Heineken không rõ nguồn gốc để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tạm giữ lượng lớn bia Heineken bất hợp pháp để điều tra
Tạm giữ lượng lớn bia Heineken bất hợp pháp để điều tra

Liên quan đến thương hiệu bia Heineken, thời điểm giáp Tết nguyên đán 2023, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Phú Yên phối hợp với Đội 3 Phòng PC03 - Công an tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra xe ôtô do một lái xe trú tại tỉnh Quảng Trị điều khiển, đồng thời cũng là người quản lý hàng hóa.

Sau quá trình kiểm tra, Đoàn công tác phát hiện trên xe vận chuyển số lượng cực lớn can, lon, chai bia các loại gồm: bia Heineken, bia Leffe, bia Corona Extra.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe có xuất trình hóa đơn bán hàng. Nhưng qua kiểm tra số lượng, chủng loại hàng hóa thực tế vận chuyển trên xe, lực lượng chức năng phát hiện không phù với số lượng, chủng loại hàng hóa xuất trong hóa đơn lái xe xuất trình.

Lực lượng chức năng xác định, toàn bộ số hàng hóa trên là do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, do đó đã tiến hành các thủ tục hành chính để tạm giữ toàn bộ hàng hóa và phương tiện vận chuyển.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định, "hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ" là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, việc mua bán của bạn tất nhiên là vi phạm pháp luật. Vì vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

Người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, người có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì tùy mức giá trị hàng hóa vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Có thể bạn quan tâm