Tạm giữ số lượng đường cát nhập lậu cực lớn ở TP.HCM

Tiến hành kiểm tra nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn TP.HCM, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và tạm giữ hàng chục tấn đường cát nhập lậu...

Việc phát hiện và tạm giữ số đường cát nhập lậu nói trên được lực lượng chức năng thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường - Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường TP.HCM thực hiện.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM thông tin cụ thể, ngày 24/2/2023 các lực lượng trên tiến hành kiểm tra đột xuất hộ nhiều kinh doanh trên địa bàn quận 6.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và tạm giữ 22,25 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất và 16,8 tấn đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chủ của các cơ sở đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, đồng thời khai nhận số đường cát kinh doanh tại cửa hàng được mua từ nguồn trôi nổi trên thị trường.

Điều đáng nói là một số được đóng vào bao bì giấy dầu không có nhãn hiệu, không có nhãn hàng hóa, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trước hành vi đó, Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số lượng đường cát vi phạm để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tạm giữ số lượng cực lớn đường cát nhập lậu ở TP. Hồ Chí Minh
Tạm giữ số lượng cực lớn đường cát nhập lậu ở TP.HCM

Trong một thông tin liên quan, tại địa bàn tỉnh Quảng Trị cách đây không lâu lực lượng chức năng của tỉnh này tiến hành khám một phương tiện vận tải kéo theo rơ moóc vận chuyển hàng hóa từ tuyến Quốc lộ 9 đi thành phố Đà Nẵng.

Kết quả khám phương tiện vận tải, lực lượng chức năng đã phát hiện trên phương tiện có vận chuyển hàng hoá là hàng chục tấn đường cát vàng loại 50kg/bao do Thái Lan sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, số đường cát trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa; có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định, "hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ" là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, việc mua bán của bạn tất nhiên là vi phạm pháp luật. Vì vậy, tùy tính chất, mức độ của hành vi, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

Người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, người có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì tùy mức giá trị hàng hóa vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm