Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2018-2021.
Theo đó, để thực hiện thành công mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, trong đó có ngành hàng không dân dụng.
Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn hàng không dân dụng tại các cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; Hoàn thiện các phương thức bay đảm bảo công tác điều hành, khai thác mạng đường bay hiệu quả và tránh việc ùn tắc trên không; nâng cao năng lực giải phóng hành khách và hàng hóa tại các cảng hàng không, sân bay.
Bộ Giao thông Vận tải nhanh chóng có giải pháp chống ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn giao thông cho các sân bay lớn, trên bầu trời, trong cảng hàng không và hệ thống giao thông tiếp cận sân bay; quản lý phát triển vận tải hàng không bền vững tránh phát triển nóng.
Đặc biệt, giảm tình trạng chậm hủy chuyến, tăng cường chế tài xử phạt hành chính về chậm hủy chuyến.
Bộ Công an được giao nhiệm vụ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm uy hiếp an toàn hàng không dân dụng như việc chiếu tia lazer vào máy bay, tấn công mạng, và các hành vi vi phạm có tính chất tương tự khác.
Trước đó, theo số liệu tổng hợp từ Cục Hàng không - Bộ Giao thông Vận tải, trong tháng 8 vừa qua, Jetstar Pacific tiếp tục đạt "quán quân" về tỷ lệ chậm chuyến, với số chuyến khai thác chậm là 709 chuyến, chiếm 24,6% số lượng chuyến bay khai thác.
Vietnam Airlines đứng thứ 2 với 1.550 chuyến chậm, chiếm 14,2%. VietJet Air đứng thứ ba với 1.312 chuyến chậm, chiếm 13,4%. Vasco đứng cuối với 54 chuyến chậm, chiếm 4,4%.
Các nguyên nhân dẫn đến chậm chuyến chủ yếu là do các hãng hàng không; tàu bay về muộn, trang thiết bị và dịch vụ tại Cảng, quản lý điều hành bay, thời tiết…