Tăng lương cho cán bộ, công chức: Ai sẽ ra khỏi bộ máy?

Muốn cải cách tiền lương, tăng lương cho cán bộ, công chức thì phải tinh giản biên chế để bộ máy bớt cồng kềnh và hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng giảm ai?
Tăng lương cho cán bộ, công chức: Ai sẽ ra khỏi bộ máy?

Hội nghị trung ương 7 khoá XII bàn về đề án cải cách tiền lương. Nhiều người hy vọng, sắp tới sẽ được hưởng mức lương tương xứng với phần công sức, chất xám mình đã bỏ ra. Bài toán khó nhất đặt ra lúc này là muốn tăng lương phải tinh giản biên chế, bởi bộ máy hưởng lương ngân sách của chúng ta hiện nay quá cồng kềnh, không hiệu quả. Nói thì đơn giản như vậy nhưng thực hiện đâu dễ. Bây giờ giảm ai, ai sẵn sàng giảm?

Cả nước hiện có khoảng 7,5 triệu người (chiếm 8,3% dân số) hưởng lương từ ngân sách, trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ là 2,8%. Đội ngũ cán bộ, công chức hùng hậu như vậy nhưng lại có vẻ không tương xứng với chất lượng công việc. Số lượng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” chiếm tỷ trọng không nhỏ trong bộ máy. Bộ máy quá đông, quá cồng kềnh, không hiệu quả nên họ thường tìm cách “kiếm chác”, vòi vĩnh của người dân, doanh nghiệp để tăng thu nhập. Chính vì thế, người dân mỗi lần có việc phải tới cửa quan thì thấy phiền hà, bức xúc vô cùng.

Thực tế, các cơ quan từ địa phương tới Trung ương thì dạng “cha truyền con nối”, con ông cháu cha chiếm tỷ lệ không nhỏ trong biên chế nhà nước. Vào Nhà nước làm có 2 dạng: thứ nhất tìm nơi béo bở để đục khoét, kiếm chác, làm giàu cho bản thân; thứ hai vào để chắc chân, có cuộc sống ổn định, “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu” (dạng này có thể là số đông). Nhưng nguy hại nhất là dạng thứ nhất, bởi đây mới chính là những kẻ nhũng nhiễu, quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, chạy chức, chạy quyền… Cho nên, xóa nghịch lý tinh giản biên chế cần đi đôi với làm sạch bộ máy, tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh.

Bộ máy Nhà nước đã phình to, cồng kềnh, nhưng kém hiệu quả. Đó là thực tế mà tất cả chúng ta đều nhìn thấy. Về lý thuyết, những người không làm được việc phải bị tinh giản đầu tiên nhưng liệu họ có bị loại không? Chắc chắn là không dễ. Tinh giản biên chế từ lâu đã được đặt ra nhưng càng hô hào, càng thực hiện thì bộ máy càng phình to. Nguyên nhân của tình trạng này là do những người phải thực thi nhiệm vụ tinh giản ngại va chạm, nể nang, thậm chí là có cả chuyện “lót tay” để được ở lại. Thời gian qua, hàng loạt vụ việc về tuyển dụng giáo viên, bác sĩ và nhiều lĩnh vực khác cho thấy rõ những tiêu cực trong công tác tuyển dụng, sử dụng nhân lực.

Còn nữa, chúng ta không thể tinh giản cán bộ yếu kém khi mà rõ ràng hiệu quả hoạt động của bộ máy không hiệu quả nhưng theo báo cáo tỷ lệ cán bộ, công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm số ít, số còn lại là hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt và hoàn thành nhiệm vụ. Với việc đánh giá và kết quả đánh giá như hiện nay thì chắc chắn sẽ chẳng có mấy người trong biên chế bị tinh giản.

Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát cấp phó, lạm phát lãnh đạo đang diễn ra ở nhiều địa phương, ban ngành gây lãng phí, kém hiệu quả và không đúng qui định của Chính phủ.

Một thực tế hiện nay là trong hệ thống hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tiền lương chưa gắn với vị trí, chức danh và hiệu quả công tác, chất lượng cung cấp dịch vụ công. Thu nhập ngoài lương từ biếu xén, xin – cho, ăn chia, tạo sân sau… nhất là ở các ngành và vị trí gắn với con dấu và chữ ký đang có xu hướng gia tăng, gắn liền với tệ nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền rất công khai và mạnh, để lại các di hại nhiều năm.

Thi tuyển là cách tốt nhất để các cơ quan, đơn vị chọn được người phù hợp với yêu cầu công việc của đơn vị mình. Tuy nhiên, việc thi tuyển cũng chưa thật sự minh bạch, chính sách ưu đãi người tài chưa được thực hiện rõ ràng, người đỗ hoặc đạt điểm xuất sắc khi trở thành công chức, viên chức đều có mức lương như nhau. Trong quá trình công tác, nếu không có sai phạm gì thì chắc chắn việc làm của một cán bộ, công chức sẽ ổn định và có cơ hội thăng tiến.

Kinh nghiệm của Singapore cho thấy vì sao đất nước này thành công đến như vậy? Thứ nhất là trọng dụng người tài; Tiền lương cao cho quan chức giỏi và chống tham nhũng rất quyết liệt. Hiện nay, mức lương Bộ trưởng và công chức ở Singapore vào loại cao nhất thế giới. Điều giúp Singapore giữ được đội ngũ công chức tài năng, hiệu quả chính là chính sách trả lương cao tương xứng với hiệu quả công việc.

Còn với chúng ta, nếu không tinh giản được biên chế thì đừng nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không có nguồn lực để thu hút những cán bộ, công chức tinh hoa.

Theo Vov

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…