Theo đánh giá của ông Hoàng, về cơ bản, người nộp thuế sẽ vui vẻ đón nhận các khoản giảm trừ thuế này, đặc biệt là ở thời điểm này khi nhiều người đang gặp phải những khó khăn do Covid-19 gây ra. Mức giảm trừ này có thể được coi như “một khoản thu nhập tăng thêm từ việc tiết kiệm được một phần thuế thu nhập cá nhân phải nộp hàng tháng”.
“Với việc khoản khấu trừ thu nhập chịu thuế được tăng thêm 2 triệu đồng, một người phải chịu thuế TNCN ở mức thuế suất cao nhất sẽ tiết kiệm được một khoản thuế phải nộp khoảng 700.000 đồng/tháng, tương đương 8,4 triệu đồng/năm. Khoản tiết kiệm này có thể nhiều hơn nếu người nộp thuế có người phụ thuộc đủ điều kiện để được giảm trừ gia cảnh. Ví dụ mức thuế TNCN phải nộp đối với một người nộp thuế có 2 người phụ thuộc có thể được giảm tới 15 triệu đồng/năm”, ông Hoàng phân tích.
Ngoài ra, việc giảm thuế này cũng có thể coi là một giải pháp giúp kích thích tổng cầu ở một mức độ nhất định. Hiện, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng, chú trọng vào các hoạt động dịch vụ, du lịch để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Vào thời điểm này, đây có thể coi là một biện pháp hỗ trợ tích cực, gián tiếp đưa đến nhiều tác động tích cực hơn cho thị trường và toàn bộ nền kinh tế.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp, khi giảm thuế, chi phí phải trả cho nhân viên sẽ được giảm đi phần nào hoặc giúp doanh nghiệp có thể đưa ra một mức thù lao hấp dẫn hơn để thu hút nhân lực. “Đây là một phương án khả thi để “tiếp sức” thêm cho thị trường lao động ở thời điểm hiện tại”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Với đề xuất này, sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh được tăng thêm lần này có lẽ chủ yếu vẫn là hướng đến việc điều chỉnh cho phù hợp với biến động CPI trong thời gian qua, hơn là một biện pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đây cũng là điều đã được ông Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng thư ký Quốc hội - khi trả lời về quyết định này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) - đã cho biết, theo ủy quyền của Quốc hội thì UBTVQH không có quyền quyết định đối tượng nào chịu thuế mà chỉ quyết định điều chỉnh mức tăng giảm trừ gia cảnh nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động tăng trên 20% trên cơ sở đề xuất của Chính phủ.
Thực tế từ năm 2013 đến nay, CPI đã tăng 23,2%. Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng của Chính phủ là phù hợp với biến động tăng của CPI. Chính vì vậy, ông Hoàng cho rằng, nhìn một cách tổng quan, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh và khoản thuế giảm trừ lần này vẫn có phần khá khiêm tốn. “Đặc biệt là đối với những người sống ở các thành phố có mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ”, ông Hoàng khẳng định.
“Đơn cử, việc được tiết kiệm thuế thêm 700.000 đồng/tháng đối với người nộp thuế ở nhóm cao nhất, hay 100.000 đồng/tháng đối với người nộp thuế ở mức thấp nhất có thể sẽ chưa đủ để tạo ra những thay đổi thật sự và rõ nét trong quyết định chi tiêu và tiêu dùng của người chịu thuế”, ông Hoàng phân tích thêm.
“Nhìn khách quan và tổng thể, tôi cho rằng, Chính phủ cũng đã phải cân nhắc nhiều yếu tố khi đưa ra chính sách này đồng thời cũng có rất nhiều vấn đề phải quan tâm trong thời điểm này. Do đó, những nỗ lực này của Chính phủ là rất đáng trân trọng”, ông Hoàng một lần nữa khẳng định.