Từ đó, đặt ra yêu cầu bảo đảm các yếu tố đầu vào cho tăng trưởng, trong đó, vốn đầu tư nước ngoài là một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I-2018, cả nước thu hút thêm hơn 3,9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới và vốn tăng thêm, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức giảm khá sâu, nguyên nhân chủ yếu là do các dự án mới đăng ký thuộc quy mô vừa hoặc nhỏ và thiếu vắng những dự án có quy mô lớn hàng tỷ USD như đã từng xuất hiện cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, cũng trong quý I-2018, có tới 1.285 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước, với tổng nguồn vốn gần 1,9 tỷ USD, tăng 121% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, các tiếp cận để hiện thực hóa mục tiêu đặt chân vào thị trường Việt Nam của giới đầu tư nước ngoài đã có thêm sự thay đổi.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến và thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ từng bước cải thiện trong thời gian tới nhờ còn nhiều dư địa; nhất là Chính phủ, các địa phương đang ủng hộ nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, bỏ vốn vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng - vận hành công trình hạ tầng giao thông, tiếp theo là ngành công nghiệp chế tạo và năng lượng sạch.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, nhiều quốc gia đi trước đã thành công trong việc chủ động thu hút đầu tư nước ngoài và tận dụng được dòng vốn này, hướng “chảy” vào những lĩnh vực đang cần. Việt Nam không là ngoại lệ, nhất là trong việc tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này lan tỏa, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp nội địa cũng như đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công nghiệp hóa nền kinh tế.
Tuy vậy, để thu hút được nhiều vốn và sử dụng dòng vốn ngoại một cách hiệu quả thì trước hết, quy định pháp lý, thể chế cần được rà soát và điều chỉnh kịp thời để đồng hành với tập quán quốc tế cũng như tình hình mới. Đơn cử, Việt Nam chuẩn bị thành lập 3 đặc khu kinh tế, với nhiều đặc thù và yêu cầu riêng; đặc biệt là trong cơ chế thu hút đầu tư. Có ý kiến đề nghị nên quy định rõ khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào dự án có dịch vụ casino tại đặc khu phải cam kết "rót" vốn ít nhất là 1 tỷ USD. Điều này nhằm bảo đảm cho dự án được triển khai suôn sẻ, tránh tình trạng “nhận phần" rồi để đấy, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, mất cơ hội phát triển nói chung...
Ngoài ra, một số ý kiến nhấn mạnh cần có biện pháp cứng rắn để bảo đảm tiến độ giải ngân. Chính phủ cũng sẽ kiên trì quan điểm tăng cường chọn lọc, tập trung vào tiêu chí cao nhất là bảo đảm chất lượng dự án và “soi” kỹ mức độ nhiệt tình, sự quyết tâm của nhà đầu tư nước ngoài; không vì con số thành tích mà dễ dãi trong cấp phép. Cùng với đó, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để thúc tiến độ dự án cụ thể kết hợp với kiên quyết rút giấy phép đối với trường hợp vi phạm.
Được biết, dự thảo chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài 2018-2030 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh, lấy ý kiến góp ý nhằm mục tiêu tổng kết bài học thực tiễn, tìm giải pháp đón đầu xu hướng và dòng vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới, gắn liền cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các đặc điểm nổi bật như ứng dụng khoa học - công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin và kỹ thuật số... Theo đó, những việc làm này đều hướng đến mục tiêu tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Hà Nội Mới