Tăng trưởng ì ạch, “bò sữa” Vinamilk bỗng gánh nợ khủng

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Vinamilk đang chậm lại ở mức dưới 10% mỗi năm. Song chi phí nuôi bộ máy, quản lý doanh nghiệp, tiếp thị - quảng cáo… cùng quy mô nợ ngày càng “phình” to gần 10.800 tỷ
Tăng trưởng ì ạch, “bò sữa” Vinamilk bỗng gánh nợ khủng

Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Vinamilk 

Doanh nghiệp nghìn tỷ, lợi nhuận tăng 5%?

Sáng 31/3, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên nhằm thông qua các nội dung chính: kế hoạch kinh doanh năm 2018, chia cổ tức, phát hành và niêm yết cổ phiếu…

Hai năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh doanh của Vinamilk đang chậm lại khi lợi nhuận chỉ tăng trưởng 4-5%, đi “thụt lùi” so với các doanh nghiệp lớn trên sàn như Hoà Phát, Vingroup, Masan… đang tăng trưởng ở mức hai con số. Cụ thể, năm 2017 doanh thu của Vinamilk chỉ tăng 9% đạt hơn 51.000 tỷ đồng, chủ yếu là doanh thu hàng nội địa đạt 43.572 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 12.229 tỷ đồng và lãi sau thuế 10.278 tỷ đồng, tăng trưởng 9,8% so với năm trước.

Lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản là 32%, lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 44%, chỉ xấp xỉ năm trước.

Tại ngày 31/12/2017, tổng tài sản của Vinamilk tăng 18% lên mức 34.667 tỷ đồng. Vốn điều lệ công ty vẫn giữ nguyên mức 14.515 tỷ đồng, song vốn chủ sở hữu đã tăng lên 23.873 tỷ đồng.

Năm 2018 kế hoạch tăng trưởng chỉ duy trì như năm trước, gồm: doanh thu 55.500 tỷ đồng (tăng 8,5%), lợi nhuận trước là 12.800 tỷ đồng và sau thuế lãi 10.752 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng gần 5% so với năm trước.

Tỷ lệ cổ tức năm 2017 là 50% bằng tiền, được chi trả thành 3 đợt cho cổ đông. Công ty dự kiến vẫn chia cổ tức 50% bằng tiền trong năm nay. 

Trước kết quả kinh doanh tăng trưởng ì ạch, cổ đông chất vấn ban lãnh đạo về chiến lược trong thời gian tới, định hướng cho thị trường xuất khẩu, sản xuất sản phẩm sữa Oganic… Dường như Vinamilk đang “ngủ quên” trên chiến thắng để các tập đoàn lớn khác như Hoà Phát dễ dàng vượt mặt?

Lãnh đạo Vinamilk thừa nhận sự tăng trưởng ì ạch này đã được nội bộ nhìn nhận, song giải thích “bất động sản đang ở thời điểm tăng trưởng cao, trong khi tốc độ tăng trưởng ngành sữa chỉ khoảng 5-7%. Doanh nghiệp nào muốn lấy thị phần thì phải có mức tăng trưởng trên 7%”.

Hiện nay, Vinamilk đang chiếm 58% thị phần sữa nội địa và công ty đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ 60% thị phần, tính trung bình mỗi năm tăng 1% thị phần (riêng năm 2017 tăng 2%).

“Sự phát triển nhanh hay chậm của mỗi doanh nghiệp là kế hoạch dài hạn, không thể so sánh giữa ngành sản xuất tiêu dùng và bất động sản. Ngành sữa vẫn còn cơ hội phát triển trong 5-10 năm tới”, lãnh đạo Vinamilk giãi bày.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2018 khiêm tốn, ban lãnh đạo công ty giải thích là đưa ra “con số tối thiểu”, bởi có mảng hoạt động xuất khẩu hiện công ty chưa chủ động được. Năm 2017, công ty đặt kế hoạch xuất khẩu tăng 8% doanh thu song thực tế lại vẫn giảm. Các sản phẩm truyền thống gồm sữa bột dinh dưỡng trẻ em, sữa tươi, sữa chua… vẫn đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng. Còn các sản phẩm phi truyền thống như sữa đậu nành hạt óc chó, nước giải khát… đang bám sát kế hoạch 5 năm tới.

Ngoài ra, công ty đang tập trung đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất sữa Organic… để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, tăng doanh thu.

Về phát triển hai thị trường Myanmar và Trung Quốc trong kế hoạch 10 năm tới, lãnh đạo cho biết công ty đã kết hợp với F&N điều tra thị trường Myanma xong, hiện đang tìm kiếm nhà phân phối để tiến sâu vào đây với chủ trương thận trọng trong việc xuất khẩu. Còn thị trường Trung Quốc hiện do gặp vướng mắc nên đang chờ đoàn kiểm tra của nước này sang đánh giá, kiểm tra…

 Nợ thuế, nợ quỹ phúc lợi...

Sức khoẻ tài chính của “bò sữa” Vinamilk cũng luôn được giới đầu tư quan tâm. Nhiều năm qua, Vinamilk duy trì lượng tiền mặt rất lớn, khoảng hơn 963 tỷ đồng đến cuối năm 2017, tăng 47% so với năm trước. Tiền mặt chủ yếu được gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, đem lại nguồn thu lãi đáng kể.

Mặc dù là “vua” tiền mặt, song quy mô nợ của Vinamilk năm vừa qua bất ngờ tăng mạnh 54,8% lên mức 10.794 tỷ đồng, đây là mức nợ cao kỷ lục. Hệ số nợ/tổng tài sản tăng lên mức 31%, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 45%. Trong số này, Vinamilk cũng “tích cực” đi vay nợ (543 tỷ đồng), nợ tiền nhà cung cấp (3.965 tỷ đồng), nợ người mua hàng trả tiền trước (360 tỷ đồng)…

Đáng chú ý, có tiếng là doanh nghiệp nộp thuế lớn song đến cuối năm 2017, Vinamilk vẫn ghi nhận hơn 383,3 tỷ đồng tiền nợ thuế phải nộp về Ngân sách Nhà nước và nợ khoảng 203 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.

Ngoài ra, công ty còn phải trả vào Quỹ khen thưởng và phúc lợi gần 692,5 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với số nợ của năm trước.

Điều thú vị hơn ở cách “điều chuyển vốn” của Vinamilk là dùng tiền gửi để đảm bảo khoản vay ngân hàng khi mà có tới 9.929 tỷ đồng tiền gửi tại nhiều ngân hàng.

Trong hoạt động tín dụng, chi phí lãi vay của Vinamilk bằng VND còn thấp hơn lãi gửi tiết kiệm 1-2 tháng của nhiều ngân hàng. Đơn cử, năm 2017, Vietcombank cho VNM vay 1.100 tỷ đồng với lãi suất chỉ 4,9%/năm và công ty đã tất toán xong nợ ngay trong năm… Agribank cũng “ưu ái” cho công ty vay 100 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm và không có tài sản đảm bảo.

Hay VNM vay 108,2 triệu USD từ Well Fargo với lãi suất 3,94%/năm. Còn Sumitomo Mítui Banking Corporation cho VNM vay ngoại tệ, tương đương 363 tỷ đồng với lãi suất 3,04%/năm, được đảm bảo tiền gửi và tài sản cố định có giá trị ghi sổ lần lượt gần 83 tỷ đồng và 389,6 tỷ đồng…

Báo cáo của Vinamilk giải thích “nhờ chính sách của một số ngân hàng cho vay dựa trên giá trị hoá đơn phải trả của Vinamilk cho nhà cung cấp, nên vòng quay khoản phải trả giảm xuống còn 8,21 lần so với 10,29 lần của năm trước”, tức giảm đáng kể áp lực trả nợ cho công ty.

Chính phủ chưa có ý kiến cho SCIC thoái vốn

Trong vòng 5 năm qua, Vinamilk đã có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô doanh nghiệp, mở rộng đầu tư nhà máy, sản phẩm mới… trở thành doanh nghiệp tỷ đô hấp dẫn nhất trên sàn chứng khoán. Thị giá cổ phiếu đã tăng liên tục từ mức 28.000 đồng/CP vào thời điểm tháng 3/2012, lên mức đỉnh kỷ lục 214.500 đồng/CP vào tháng 3/2018, tăng 766%.

Cổ phiếu VNM trở thành hàng hiếm được các quỹ đầu tư, tổ chức lớn tích cực mua vào, gia tăng sở hữu như: F&N Dairy Investments Pte,Ltd nắm 16,5% cổ phần, F&N Bev Manufacturing Pte,Ltd nắm 2,7%, Platium Victory Pte,Ltd nắm 10,04%. Cổ đông nhà nước SCIC hiện sở hữu 36% cổ phần, tương ứng 522,55 triệu cổ phiếu VN. Theo kế hoạch, SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi Vinamilk và là cơ hội để các nhà đầu tư ngoại “bạo tiền” tham gia mua cổ phần.

Dù các quỹ ngoại vẫn đang ngóng chờ SCIC thoái vốn, song lãnh đạo Vinamilk cho biết SCIC đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, nhưng chưa nhận được ý kiến của Chính phủ.

>> Năm 2018 Vinamilk mục tiêu lãi sau thuế 10.750 tỷ đồng, dành một nửa chia cổ tức

Có thể bạn quan tâm