Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán: BID).
Theo các báo cáo tình hình hoạt động do lãnh đạo BIDV trình bày tại buổi làm việc, hoạt động kinh doanh của BIDV trong 6 tháng đầu năm bám sát lộ trình kế hoạch năm, phù hợp với tình hình chung của thị trường.
Cụ thể, BIDV tiếp tục đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam về quy mô tài sản và đã vươn lên ở trong top 3 ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt nhất.
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG BỨT TỐC MẠNH MẼ
Ban lãnh đạo ngân hàng BIDV cũng thông tin thêm, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/6 đạt 5,83%, trong khi huy động vốn tăng 5,5% so với cuối năm 2023.
Như vậy, có thể ước tính rằng dư nợ tín dụng của BIDV đã tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, bằng khoảng 1/8 tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 tổ chức ngày 19/6, Tổng Giám đốc BIDV thông tin rằng tăng trưởng tín dụng cập nhật hết 17/6 là 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ so với cuối năm 2023.
Từ hai con số trên, có thể ước tính rằng, trong 11 ngày cuối tháng 6, dư nợ cho vay của BIDV đã tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng.
Diễn biến tăng trưởng tín dụng tại BIDV khá tương đồng với tình hình chung của các tổ chức tín dụng khác, khi số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng toàn nền kinh tế ghi nhận mức tăng ấn tượng trong tháng 6.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái. Trước đó, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 5/2024 mới đạt 2,41% và đạt 3,79% tính đến ngày 14/6.
Như vậy, chỉ riêng tháng 6, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 487.000 tỷ đồng, cao hơn so với tổng mức tín dụng tăng được trong 5 tháng đầu năm. Riêng hai tuần cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mở rộng thêm gần 300.000 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, sau giai đoạn tăng trưởng âm trong tháng 1 và tháng 2, tín dụng bắt đầu tăng trưởng vào tháng 5 và đến ngày 17/6 đạt 4,7%. Trong đó, chỉ có Hà Nội, TP.HCM và Nam Trung Bộ có mức tăng tốt, còn lại tăng chậm, thậm chí là âm so với cuối năm 2023.
Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm được Tổng Giám đốc BIDV nêu lên là do: doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, năng lực tài chính giảm sút, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh tăng cao do gặp phải khó khăn thời hậu Covid-19, xung đột chính trị nhiều nơi trên thế giới, thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến nhu cầu vay tiêu dùng trong dân cư giảm….
Ông Lê Ngọc Lâm cũng nhấn mạnh, BIDV sẽ tiếp tục có các biện pháp thúc đẩy các chi nhánh tích cực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm; tổ chức làm việc, đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp - ngân hàng để tìm ra khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục triển khai các gói tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo các chương trình và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với BIDV, một số ngân hàng lớn cũng cho biết tăng trưởng tín dụng bứt tốc mạnh trong những tuần cuối tháng 6.
Chia sẻ về vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết tính đến hết 17/6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mới đạt 2,1%, tức tăng 29.000 tỷ đồng, thấp hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, ông Tùng dự kiến đến hết 30/6 tăng trưởng tín dụng đạt 4,3%, đến hết 30/9 là 8,2% và cả năm là 12%. Tức trong nửa cuối tháng 6, mức tăng trưởng đạt được gần ngang bằng trong hơn 5 tháng trước đó.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng thông tin đến hết 31/5, dư nợ tín dụng đạt 1,57 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,24% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, dự kiến đến hết 30/6 mức tăng trưởng có thể đạt 2,5%, tức mức tăng trong tháng 6 bằng tổng mức tăng trong 5 tháng trước đó.
Ở nhóm cổ phần, Tổng Giám đốc MB cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 có thể đạt 6 - 6,5%, từ mức 4,5% ghi nhận vào giữa tháng 6. Lãnh đạo VIB cũng dự báo mức tăng trưởng cuối quý 2 đạt khoảng 2% từ mức 1,14% đạt được vào cuối tháng 5.
Trước đó, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu hồi phục sau khi nhận mức âm trong 2 tháng đầu năm. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.
LỢI NHUẬN NGÀNH NGÂN HÀNG ĐƯỢC DỰ BÁO KHẢ QUAN
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có nhà băng nào công bố báo cáo tài chính, song lợi nhuận quý 2/2024 của ngành ngân hàng vẫn được đánh giá là tăng trưởng dương nhờ tín dụng cải thiện.
Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, 2024 sẽ tiếp tục là năm tương đối thách thức với ngành ngân hàng, song một số tổ chức tín dụng sẽ có cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, VDSC kỳ vọng, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình của các ngân hàng trong danh sách theo dõi đạt 18%, thu nhập lãi tăng 19%.
Lợi nhuận ngân hàng được dự báo khả quan nhờ tín dụng tăng trưởng tốt hơn so với quý trước đó (2 tháng đầu năm tín dụng âm), khi lãi suất cho vay hợp lý hơn và kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, kéo theo nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Kết quả khảo sát quý 2/2024 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng, lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi từ quý 2/2024 với 57,3% tổ chức tín dụng cho rằng, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với quý 1/2024; 30,9% đánh giá là không đổi và 11,8% lo ngại kết quả kinh doanh suy giảm.
Công ty Chứng khoán MBS cũng đưa ra nhận định rằng, quý 2/2024, nhìn chung lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng có mức tăng trưởng không cao, thậm chí một số ngân hàng có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm do cùng kỳ năm ngoái ở mức cao. Lợi nhuận ngành ngân hàng được MBS dự báo tăng trưởng ở mức 12%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là biên lãi ròng tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay giảm thêm theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, trong khi lãi suất huy động tăng nhẹ ở hầu hết ngân hàng.
Theo dữ liệu từ BIDV cho biết, ngân hàng có 16 gói tín dụng quy mô 80.000 - 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5- 2,5% so với khách hàng thông thường, để thúc đẩy tăng trưởng. Trong gần 6 tháng đầu năm, BIDV giảm lợi nhuận 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng… Đó cũng chính là các yếu tố tác động lên lợi nhuận của ngân hàng trong quý 2/2024.
Thế nhưng, triển vọng về lợi nhuận của ngành này vẫn được đánh giá tích cực, dù có sự phân hóa. Theo TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital, ngành ngân hàng thường có lợi nhuận năm tăng trưởng 2 chữ số và với tỷ trọng hơn 35% giá trị vốn hoá của VN-Index và trên 60% tổng lợi nhuận của VN-Index, ngân hàng vẫn luôn thu hút được sự quan tâm của khối ngoại. Giá cổ phiếu ngân hàng tăng khoảng 14% kể từ đầu năm, cao hơn mức tăng của Chỉ số VN-Index là 10,2%. Ngoài ra, ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn (P/B khoảng 1,7 lần), tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu khoảng 18-20% là động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng.