Theo ông Hiếu, tăng trưởng xanh có tầm quan trọng đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó đưa ra các tiêu chí, chương trình hành động. Đồng thời, Chính phủ cũng có nhiều chương trình khác như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phê duyệt Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
Tuy nhiên, việc triển khai hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vẫn nằm ngoài các hoạt động thường xuyên của Trung ương và của địa phương, chưa quan tâm lồng ghép tăng trưởng xanh vào triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ, đề xuất cách thức lồng ghép tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển KT-XH cấp tỉnh hiệu quả. Các chuyên gia lưu ý, để tìm ra các điểm tiếp cận đầu vào cho việc lồng ghép tăng trưởng xanh cần lưu ý tính nhất quán của quá trình xây dựng quy hoạch, chiến lược và kế hoạch hành động; khả năng tham gia của các bên liên quan, cơ chế phối kết hợp cho quá trình xây dựng và triển khai; các hoạt động ưu tiên nâng cao năng lực chống chịu, các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính. Trên cơ sở đó, CIEM cũng đưa ra bản dự kiến một số nội dung chính của tài liệu hướng dẫn lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh.
Nhìn từ kinh tế vĩ mô, phát triển xanh, bền vững là bước đi tắt để đón chặng đường dài. Đón đầu trong phát triển nền kinh tế xanh là cách để giải “kép” bài toán mang lại giá trị gia tăng cao nhất gắn với bảo vệ môi trường sống trong lành. Thế nên, việc lựa chọn mô hình tăng trưởng, gắn với “sàng lọc” các dự án có hàm lượng công nghệ cao được coi là bước đi tắt để đỡ cả chặng đường dài trong việc phát triển nền kinh tế đất nước theo hướng bền vững, giàu đẹp trong tương lai.