Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa công bố thông tin nhận được các quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế của Chi cục thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương.
Cụ thể, ngày 17/6 vừa qua, Chi cục thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương đã ra 8 quyết định cưỡng chế thuế do nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày đối với Tập đoàn FLC.
Theo đó, tổng số tiền bị cưỡng chế là 238,6 tỷ đồng. Đây là số tiền thuế sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và gần 45 tỷ đồng tiền chậm nộp.
Theo cơ quan thuế, FLC sẽ bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ các tài khoản ở các ngân hàng VPBank - Chi nhánh Hà Nội, VIB - Chi nhánh Quận 1 TP.HCM, OCB - Chi nhánh Hà Nội, Agribank - Chi nhánh Tây Đô, Vietcombank - Chi nhánh Thanh Hóa, Vietcombank - Chi nhánh Vĩnh Phúc, VietinBank - Chi nhánh Thanh Hóa, BIDV - Chi nhánh Thanh Xuân.
Liên quan đến doanh nghiệp này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây cũng ban hành quyết định xử phạt hành chính do không công bố thông tin phải công bố theo quy định.
Theo quyết định xử phạt, Tập đoàn FLC không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định đối với các tài liệu: Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020 và năm 2022; Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 và các năm 2020, 2021, 2022; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020; Tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu bán niên năm 2023 và năm 2022, Báo cáo tài chính Quý 3, 4 năm 2023; Báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán.
Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC còn công bố thông tin không đúng thời hạn đối với các tài liệu: Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên năm 2022; Tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện bán niên năm 2023; Báo cáo tài chính bán niên năm 2022; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên các năm 2022, 2023; Nghị quyết số 66/2022/NQ-HĐQT-FLC ngày 1/10/2022 về việc chấp thuận đề nghị thôi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc của bà Võ Thị Thùy Dương.
Với những vi phạm trên, Tập đoàn FLC bị xử phạt với số tiền phạt là 92,5 triệu đồng.
Hồi đầu tháng 6/2024, doanh nghiệp này cũng bị Chi cục thuế Thành phố Quy Nhơn ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản.
Nguyên do bởi công ty nợ thuế quá 90 ngày. Cụ thể, tổng số tiền FLC bị cưỡng chế thuế là 133,5 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 115,1 tỷ đồng là tiền thuê đất và 18,3 tỷ đồng là lãi phát sinh do chậm nộp.
Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết và nhiều lãnh đạo cấp cao của FLC bị vướng vào vòng lao lý, tập đoàn này đã phải đối mặt với những khó khăn lớn về tài chính và liên tục nhận được các quyết định truy thu và cưỡng chế thuế từ các cơ quan thuế địa phương do tình trạng nợ thuế.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, đại diện FLC cho biết trong năm 2024, tập đoàn vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.
Đại hội đồng cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh bất động sản với doanh thu 1.187 tỷ đồng. Đối với mảng du lịch nghỉ dưỡng, tập đoàn kỳ vọng đạt doanh thu 1.213 tỷ đồng, lợi nhuận đủ để duy trì bộ máy cũng như thực hiện các cam kết với các bên liên quan khác như cơ quan nhà nước, khách hàng, ngân hàng.
FLC không công bố báo cáo tài chính từ quý 4/2022 đến nay, vì vậy tình hình tài chính của công ty không được tiết lộ. Theo thông tin từ doanh nghiệp, tổng giá trị tài sản hiện hữu của FLC đạt hơn 21.000 tỷ đồng.
Đồng thời, FLC cũng đặt mục tiêu sẽ sớm kiểm toán được báo cáo tài chính để có thể trở lại giao dịch trên UPCoM.