“Cánh tay đắc lực” của Trịnh Văn Quyết có “vai trò” như thế nào trong đại án FLC?

Doãn Văn Phương đã cùng Trịnh Văn Quyết và đồng phạm nâng khống giá trị vốn góp tại Công ty Cổ phần Xây dựng Faros, đăng ký niêm yết và bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Doãn Văn Phương từng giữ nhiều trọng trách tại hệ sinh thái FLC
Doãn Văn Phương từng giữ nhiều trọng trách tại hệ sinh thái FLC

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ban hành kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong lần kết luận bổ sung này, C01 đề nghị truy tố 51 bị can trong đó có 7 người là lãnh đạo, cán bộ của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Tại Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty liên quan, C01 đã làm rõ hành vi phạm tội của từng bị can, chỉ còn Doãn Văn Phương (sinh năm 1977), Tổng giám đốc của Tập đoàn FLC đã xuất cảnh trốn đi nước ngoài từ tháng 3/2022.

Theo cơ quan điều tra, trong vụ án, Doãn Văn Phương còn giữ vai trò kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Faros giai đoạn từ 2012 – 2016, sau đó là Thành viên Hội đồng quản trị từ tháng 11/2016 - 6/2019.

Với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Faros, từ ngày 28/5/2015 - 9/11/2016, Phương đã chỉ đạo các Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc và nhân viên thuộc Faros ban hành các nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ, lập hồ sơ góp vốn khống, lập hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký và đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu tương đương 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ của Faros.

Việc làm này của Phương nhằm để Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể về hành vi của Phương, cơ quan điều tra cho rằng bị can đã chỉ đạo và trực tiếp ký các tờ trình, biên bản, nghị quyết của Hội đồng quản trị đề ra chủ trương về việc tăng vốn khống ở các lần tăng vốn (thứ 3, thứ 4, thứ 5) và chủ trương đăng ký niêm yết cổ phiếu của Faros trên sàn chứng khoán.

Với danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng quản trị Faros, Phương cũng trực tiếp tham gia ký hồ sơ, chứng từ khống để hợp thức hạch toán kế toán cho việc góp vốn khống. Trong đó, ký 18 giấy rút tiền mặt để bị can Trịnh Thị Minh Huế - em gái Trịnh Văn Quyết sử dụng rút 900 tỷ đồng vốn góp ra khỏi tài khoản của Faros; ký 12 ủy nhiệm chi để Huế làm thủ tục chuyển 296,5 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Bình Định FLC đến tài khoản của các cá nhân khác nhau để tạo dòng tiền, hình thành công nợ ảo để hạch toán hợp thức trên sổ sách kế toán và báo cáo tài chính.

Ngoài ra, bị can còn tiếp ký các tài liệu để làm hồ sơ gửi Vụ giám sát Công ty đại chúng đề nghị đăng ký công ty đại chúng; đề nghị Trung tâm lưu ký cho đăng ký và lưu ký chứng khoán; đề nghị sàn HOSE chấp thuận niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp với giá trị vốn góp không đúng thực tế.

Trên danh nghĩa cá nhân, Doãn Văn Phương đã ký hợp đồng ngày 19/5/2015, với nội dung: “Nhận chuyển nhượng 675.000 cổ phần của Nguyễn Văn Mạnh tại Công ty Cổ phần Xây dựng Faros nhưng không phát sinh thanh toán để đứng tên làm cổ đông góp vốn”.

Sau khi trở thành cổ đông góp vốn, từ 27/5/2015 - 12/11/2015, Phương ký khống 4 giấy nộp tiền góp vốn khống và 2 ủy nhiệm chi khống để Trịnh Thị Minh Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, hợp thức làm tăng khống số vốn góp mang tên Doãn Văn Phương tại Faros từ 675 triệu đồng, tương đương 675.000 cổ phần lên hơn 77,6 tỷ đồng đồng, tương đương 7.762.500 cổ phần. Trước khi niêm yết, Phương đã trả lại 7.762.500 cổ phần cho Trịnh Văn Quyết bằng hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng nhưng không phát sinh thanh toán tiền.

Cơ quan điều tra xác định, bị can Doãn Văn Phương được hưởng lợi 500.000 cổ phiếu với trị giá trị phát hành là 5 tỷ đồng. Ngày 29/8/2016, bị can đăng ký lưu ký tại tài khoản chứng khoán mang tên cá nhân mình. Trong hai năm 2017 – 2018, bị can được trả cổ tức thêm 160.000 cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu Phương sở hữu lên 660.000 cổ phiếu.

Giữa tháng 5/2020, Phương sử dụng tài khoản chứng khoán bán toàn bộ 660.000 cổ phiếu này, thu được hơn 2,3 tỷ đồng.

Theo kết luận của cơ quan điều tra: “Doãn Văn Phương đã cùng Trịnh Văn Quyết và đồng phạm nâng khống giá trị vốn góp tại Công ty Cổ phần Xây dựng Faros, đăng ký niêm yết và bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán”.

Đồng thời, cơ quan điều tra cho rằng, vi phạm của bị can Phương đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", với vai trò tổ chức thực hiện, giúp sức tích cực cho Trịnh Văn Quyết.

Đến nay, dù đã xác minh nhiều nơi nhưng không tìm được Doãn Văn Phương. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách tài liệu liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bị can để xử lý sau.

Ông Doãn Văn Phương quê Thanh Hóa, là cử nhân Luật tại Đại học Luật Hà Nội, thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Mỹ. Ông là một trong những cổ đông sáng lập của Tập đoàn FLC, từng giữ các chức vụ: Tổng giám đốc FLC đến tháng 5/2015; Chủ tịch Công ty TNHH MTV FLC Land; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FLC Golf & Resort; Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Truyền thông và Công nghệ FLC.

Năm 2017, khi bước sang tuổi 40, ông Phương được báo chí nhiều lần nhắc tên khi cưới vợ hoa hậu.

Có thể bạn quan tâm