Theo báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng, tình hình sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng trong năm 2023 đồng loạt sụt giảm so với năm 2022.
Cụ thể, đối với xi măng, Bộ Xây dựng ghi nhận sản lượng sản xuất năm 2023 dự kiến 89,4 triệu tấn, giảm khoảng 5,45% so với năm 2022, lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6% so với năm 2022.
Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa khoảng 56,8 triệu tấn (giảm khoảng 10% so với năm 2022), xuất khẩu sản phẩm xi măng và clanhke khoảng 32,6 triệu tấn (tăng khoảng 2 % so với năm 2022), giá trị xuất khẩu ước đạt 1,23 tỷ USD.
Đối với gạch ốp lát, sản lượng sản xuất đạt khoảng 386,5 triệu m2, giảm khoảng 15%, sản lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu m2, giảm 25% so với năm 2022.
Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm khoảng 25% so với năm 2022, sản lượng tiêu thụ khoảng 11 triệu sản phẩm. Sản lượng sản xuất vật liệu kính xây dựng đạt khoảng 211 triệu m2, giảm khoảng 2% so với năm 2022. Sản lượng tiêu thụ năm 2023 khoảng 168 triệu m2.
Một số vật liệu khác có sản lượng sản xuất giảm như sản lượng sản xuất và tiêu thụ vôi đạt 2,5 triệu tấn, giảm khoảng 2,5% so với năm 2022; đá ốp lát đạt khoảng 12 triệu m2; tấm lợp fibro xi măng đạt khoảng 24 triệu m2, giảm khoảng 8% so với năm 2022.
Theo Bộ Xây dựng lý giải, trong năm 2023, nhiều dự án, công trình chậm triển khai, giãn tiến độ, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hết sức khó khăn, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất. Kết quả chung đều không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2022, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận bị giảm sâu, khối sản xuất, kinh doanh vật liệu bị thua lỗ.
Với kết quả trên, về công tác quản lý vật liệu xây dựng năm 2024, Bộ Xây dựng đã đề ra 5 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030.
Thứ hai là hoàn thiện đề án “Tăng cường công tác quản lý và sử dụng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng”. Hướng dẫn thực hiện chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Thứ ba là tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu. Nghiên cứu rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý việc đầu tư phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực. Đồng thời, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước.
Thứ tư, tăng cường rà soát, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã ban hành theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Thứ năm, đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng; phương án sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quy hoạch tỉnh; tăng cường rà soát, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã ban hành theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng.