Techcombank có "sa lầy" tại Ninh Vân Bay?

Ninh Vân Bay vẫn chưa thể thoát khỏi “vũng lầy” thua lỗ dù có sự góp mặt của ReCaital. Cùng với đó, các tài sản giá trị nhất của công ty hiện đang được cầm cố tại TechcomBank.
Techcombank có "sa lầy" tại Ninh Vân Bay?

Thành lập từ năm 2006, CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (mã: NVT) đã mau chóng gây tiếng vang trong lĩnh vực phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp với những dự án đình đám như Six Senses Ninh Vân Bay, Emeralda Ninh Bình, Six Senses SaiGon River…

Cùng với đó, Ninh Vân Bay cũng tăng vốn “thần tốc” từ 1 tỷ đồng khi mới thành lập lên 605 tỷ đồng và tiến hành niêm yết trên Hose năm 2010. Ninh Vân Bay cũng cho thấy tham vọng trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp bằng việc hợp tác chiến lược toàn diện 30 năm với Tập đoàn Six Senses của Thái Lan trong công tác quản lý các dự án của mình.

Sự thất bại của ReCapital

Thời điểm Ninh Vân Bay đẩy mạnh đầu tư cũng là lúc nhiều vấn đề lớn xuất hiện khi công ty gặp phải khó khăn về khả năng huy động vốn bởi chi phí vốn cao, chính sách thắt chặt tín dụng và sự giảm sút mạnh về nhu cầu của thị trường.

Những dự án mà Ninh Vân Bay đang triển khai rơi vào tình trạng thiếu vốn, tiêu biểu như dự án đầy tham vọng Six Senses SaiGon River phải tạm dừng. Không những thế, tình hình khó khăn còn khiến Ninh Vân Bay phải rút gần hết vốn khỏi CLB Kỳ nghỉ Ninh Vân Bay, thu hẹp hoạt động chi nhánh…

Kết quả, năm 2012 Ninh Vân Bay lỗ gần 70 tỷ đồng sau khi đã lỗ 77 tỷ đồng trong năm trước đó. Trong bối cảnh đó, năm 2013, Ninh Vân Bay đã phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu cho ReCapital- một quỹ đầu tư đến từ Indonesia và thu về tổng cộng 225 tỷ đồng. Số vốn này đã giúp công ty có thêm nguồn tiền để đầu tư vào các dự án đang gặp bế tắc như Six Senses SaiGon River, Emeralda Hội An….

Nhờ dòng tiền được bổ sung, tình hình hoạt động của Ninh Vân Bay trong năm 2013 đã có nhiều tiến triển khi ghi nhận mức lãi kỷ lục 20,61 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 2 năm thua lỗ liên tiếp trước đó. Còn với ReCapital, sau khi mua thêm 30 triệu cổ phần từ đợt phát hành riêng lẻ, quỹ đã trở thành cổ đông lớn nhất tại Ninh Vân Bay với tỷ lệ sở hữu 35,87%

Techcombank có "sa lầy" tại Ninh Vân Bay? ảnh 1
Kết quả lợi nhuận của Ninh Vân Bay liên tục lao dốc ?
Tưởng chừng sự hiện diện của ReCapital sẽ giúp Ninh Vân Bay “hồi sinh”. Tuy vậy, những khó khăn về vốn, thị trường còn rất lớn đã khiến lợi nhuận năm 2014 của Ninh Vân Bay sụt giảm 73% chỉ còn 5,61 tỷ đồng. Chưa dừng lại, 6 tháng đầu năm 2015, Ninh Vân Bay tiếp tục lỗ hơn 70 tỷ đồng, giá cổ phiếu rơi xuống mức “trà đá”, dưới 3.000đ.
Nhận định Việt Nam có nhiều tài sản đang định giá thấp và kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường bất động sản, du lịch là yếu tố đã khiến ReCapital đầu tư vào Ninh Vân Bay năm 2013. Tuy vậy, sau 2 năm kể từ thời điểm đầu tư, ReCapital dường như đã nhận lấy thất bại khi Ninh Vân Bay chưa thể thoát khỏi “vũng lầy”. Cùng với đó, khoản đầu tư của quỹ tính theo thị giá đã “bay hơi” 60%.
Techcombank có "sa lầy" tại Ninh Vân Bay? ảnh 2
Cổ phiếu NVT cũng "lao dốc không phanh"
Cổ phiếu NVT hiện chỉ giao dịch ngang mức giá "trà đá". ReCapital đầu tư vào Ninh Vân Bay tại mức giá 7.500 đồng/cp, hiện cổ phiếu này đã rơi xuống dưới 3.000 đồng

Techcombank- chủ nợ lớn của Ninh Vân Bay

Đứng trước nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, cuối năm 2014, Ninh Vân Bay đã phát hành 230 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền cho TechcomBank. Theo đó, TechcomBank sẽ được mua tối đa 9,5 triệu cổ phiếu NVT với mức giá 7.500đ/cp trong trường hợp thực hiện chứng quyền.

Đợt phát hành trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản và quyền tài sản phát sinh tư dự án Six Senses SaiGon River; 100% cổ phần tại Công ty TNHH Hai Dung (chủ đầu tư Six Senses SaiGon) và toàn bộ 51% vốn góp tại CTCP Du Lịch Hồng Hải (chủ đầu tư Six Senses Ninh Vân Bay).

Như vậy, có thể thấy toàn bộ những tài sản giá trị nhất của Ninh Vân Bay đã được mang ra thế chấp tại TechcomBank trong đợt phát hành trái phiếu này. Khoản vay của TechcomBank hiện chiếm khoảng 17% tổng tài sản Ninh Vân Bay.

Trong trường hợp thực hiện chứng quyền, TechcomBank sẽ trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Ninh Vân Bay với tỷ lệ sở hữu 9,5%. Trước đó, TechcomCapital, một thành viên của TechcomBank đã từng sở hữu 6 triệu cổ phiếu NVT (6,63%). Tuy nhiên, công ty này đã thoái toàn bộ vốn đầu tư trong năm 2014. HIện tại, trong cơ cấu cổ đông lớn của Ninh Vân Bay, ngoài 2 cổ đông ngoại là ReCapital (35,87%) cùng với Belton (7,4%) còn có sự hiện diện của Chủ tịch Lê Xuân Hải (8,37%) và TGĐ Hoàng Anh Dũng (6,16%).

Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông rất có thể sẽ có nhiều sự thay đổi trong thời gian tới, khi mà TechcomBank đang là “chủ nợ” lớn nhất, trong khi những thành viên HĐQT Ninh Vân Bay liên tục thoái vốn thời gian gần đây.

Techcombank có "sa lầy" tại Ninh Vân Bay? ảnh 3
ReCapital Group do ông Rosan Roeslani, tỷ phú người Indonesia sáng lập năm 1996. ReCapital Group hiện là một trong những Tập đoàn đa ngành hàng đầu tại Indonesia hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực: tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, khai khoáng, bất động sản và du lịch. [/button] Tại Việt Nam, ReCapital Investment PTE, Ltd, một công ty thuộc tập đoàn hiện là cổ đông lớn nhất của Ninh Vân Bay sau khi mua 30 triệu cổ phiếu NVT với mức giá 7.500đ/cp vào năm 2013. Ông Rosan Roeslani, chủ tịch ReCapital cũng là cổ đông chính của International Sports Capital (ISC)- tổ chức sở hữu 70% cổ phần CLB Bóng đá danh tiếng Inter Milan.
Techcombank có "sa lầy" tại Ninh Vân Bay? ảnh 4
Tỷ phú Rosan Roeslani, chủ tịch ReCapital

Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...