Thái Nguyên sắp có trường đua ngựa 350 triệu USD, rộng 100ha

Tỉnh Thái Nguyên sẽ có dự án tổ hợp thương mại dịch vụ, thương mại, du lịch kết hợp trường đua ngựa núi Văn núi Võ tại huyện Đại Từ. Dự án có quy mô 100 ha, tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD...
Sẽ quy hoạch trường đua ngựa 100 ha với tổng đầu tư 350 triệu USD tại Thái Nguyên

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050vừa được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh này sẽ có dự án tổ hợp thương mại dịch vụ, thương mại, du lịch kết hợp trường đua ngựa núi Văn núi Võ tại huyện Đại Từ. Dự án nằm trong danh sách ưu tiên mời gọi đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách của tỉnh với quy mô 100 ha, tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD.

Trước đó, tháng 3/2021, Ủy ban nhân dân xã Văn Yên, huyện Đại Từ công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích núi Văn núi Võ. Khu vực lập quy hoạch tại hai xã Ký Phú và Văn Yên, nằm ở khu vực nút giao giữa với tỉnh lộ 261 và 263B. Các công trình xây mới trong khu vực quy hoạch sẽ phát triển nhiều sản phẩm du lịch như tìm hiểu lịch sử, tham quan thắng cảnh thiên nhiên, leo núi, thăm hang động và đua ngựa.

Ngoài dự án trên, Thái Nguyên còn quy hoạch 13 sân golf tại thành phố Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công và các huyện Đại Từ, Phú Bình, Đông Hỷ. Một số dự án quy mô từ 100 đến 130 ha được tỉnh đưa vào kế hoạch phát triển và ưu tiên thu hút đầu tư là Khu đô thị sinh thái thể thao Hồ Ghềnh Chè (thành phố Sông Công), Sân golf Quân Chu, Khu thể thao sân golf Tân Thái (huyện Đại Từ)...

Đối với các khu du lịch, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển các khu du lịch bao gồm: Hồ Núi Cốc; Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Quần thể hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, các hang động trên địa bàn huyện Võ Nhai, huyện Định Hóa; Khu vực đông Tam Đảo, rừng Khuôn Mánh (huyện Võ Nhai); Khu du lịch sinh thái hồ Ghềnh Chè ( Sông Công); Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Suối Lạnh ( Phổ Yên); Khu du lịch sinh thái Hồ Kim Đĩnh (Phú Bình); Khu di tích Đình Đền Chùa cầu Muối (Phú Bình); Khu di tích Núi Văn - Núi Võ (huyện Đại Từ); Khu di tích Lý Nam Đế (Phổ Yên).

Về các khu du lịch, nghỉ dưỡng khác, Thái Nguyên có: Khu nghỉ dưỡng, thể thao vui hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (diện tích 495 ha); Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao đông Tam Đảo, xã Vạn Phái, Đắc Sơn, Thành Công, Minh Đức, Phúc Thuận và phường Bắc Sơn, Phổ Yên (diện tích khoảng 5.600 ha); Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao và khu ở tại thị trấn Quân Chu, xã Cát Nê, huyện Đại Từ (diện tích 498 ha)…

Với khu du lịch hồ Núi Cốc, khu du lịch này nằm ở phía nam huyện Đại Từ, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 15 km về phía tây. Hồ Núi Cốc có diện tích 2.500 ha với 89 hòn đảo. Đây là một trong 5 khu vực trọng điểm phát triển về du lịch của Thái Nguyên (bao gồm hồ Núi Cốc; ATK Định Hóa; không gian du lịch thành phố Thái Nguyên và phụ cận; khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng; vườn quốc gia Tam Đảo), là một trong 48 khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quản lý và đầu tư xây dựng nhiều khu vực trong khu du lịch hồ Núi Cốc như tại khu vực phía bắc hồ có khu huyền thoại cung là quần thể khu du lịch được đầu tư lớn nhất bao gồm tổ hợp các công trình khách sạn, nhà nghỉ, vui chơi giải trí (công viên nước, hang động nhân tạo, vườn thú...), ăn uống, tham quan...

Ngoài ra còn có các khu nhà nghỉ ngành than, ngành thuế, khu nhà nghỉ người có công, nhà nghỉ quân đội... và các nhà nghỉ tư nhân nhỏ lẻ. Tại khu vực phía nam hồ Núi Cốc có khu du lịch Phương Nam mới được đầu tư xây dựng với quy mô lớn.

Về du lịch nghỉ dưỡng, một số dự án được quy hoạch đến năm 2030 gồm Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc, Khu du lịch nghỉ dưỡng Eco Valley (thành phố Thái Nguyên), Làng sinh thái Núi Cốc Escape (thành phố Phổ Yên), Tổ hợp du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng Thâm Bây (huyện Định Hóa)...

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...